Nhiều phương tiện tránh thai phân phối qua kênh xã hội hóa được tin dùng ở TP.HCM
Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, việc triển khai xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn thành phố đã dần đi vào thực tiễn đời sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.
Tại TP.HCM, nhận thức rõ được ý nghĩa thiết thực của việc triển khai chương trình xã hội hóa các phương tiện tránh thai đối với việc thực hiện các mục tiêu trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ đã chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện rà soát nhu cầu thực tế trên từng địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch góp phần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa các phương tiện tránh thai trên địa bàn.
Theo đó, Đề án 818 đã được triển khai tại 24 quận, huyện và 322 phường, xã, thị trấn thông qua việc hình thành hệ thống kênh phân phối xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại cộng đồng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chi Cục Dân số - KHHGĐ thành phố đã chủ động giao chỉ tiêu xã hội hóa các phương tiện tránh thai đến từng quận, huyện nhằm thúc đẩy hoạt động của chương trình.
Hàng năm, Chi Cục DS-KHHGĐ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực như: Ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn cách thức thực hiện, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động triển khai theo tiến độ kế hoạch từng năm. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các phương tiện tránh thai thuộc Đề án 818, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các phương tiện tránh thai thuộc chương trình xã hội hóa; từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân thông qua việc tham gia chi trả khi áp dụng thực hiện các biện pháp tránh thai góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình và phòng chống HIV/AIDS.
Cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, việc triển khai xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn thành phố đã dần đi vào thực tiễn đời sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, hiện tại, nhu cầu về sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được đáp ứng và có chất lượng. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng phương pháp tránh thai đạt ở mức cao trên 60%.
Cùng với đó, một số sản phẩm phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ đã được người dân trên địa bàn thành phố tin tưởng sử dụng, trong đó các sản phẩm bao cao su Hello và thuốc uống tránh thai Anna được tiếp cận rộng rãi với nhiều đối tượng sử dụng, số lượng bán ra với doanh số tăng mỗi năm.
Để thực hiện Đề án 818 hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chi Cục DS-KHHGĐ thành phố tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030, trong đó, chú trọng việc phối hợp với các nhà thuốc tư nhân, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm phương tiện tránh thai đến người có nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cũng kiến nghị Ban quản lý Đề án 818 Trung ương từng bước đa dạng hóa các sản phẩm phương tiện tránh thai về mặt hình thức, chủng loại, giá cả nhằm chú trọng đảm bảo tính cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.