Nhiều quốc gia muốn làm trung tâm sản xuất chip toàn cầu, vì sao Việt Nam được gọi tên?

Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Ấn Độ… cùng quan tâm tới ngành công nghiệp chip bán dẫn, song Việt Nam đang có lợi thế hơn các đối thủ, thể hiện bằng sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc... về lĩnh vực được đánh giá là nóng nhất thế giới hiện nay.

Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Lợi thế trên đường trở thành người chiến thắng

Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu.

Nói tới chất bán dẫn không thể không nhắc tới Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Cùng với đó, Amkor Technology có trụ sở tại Arizona sẽ công bố bắt đầu hoạt động tại nhà máy hiện đại ở tỉnh Bắc Ninh vào tháng 10/2023, tổng vốn đầu tư cho dự án là 1,6 tỷ USD. Synopsys có trụ sở tại California đang triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao TP.HCM. Marvell có trụ sở tại California sẽ công bố thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP.HCM.

Vào thời điểm tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo Tập đoàn Samsung trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Samsung đang chuẩn bị thử nghiệm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà ở nhà máy Samsung Thái Nguyên. Chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ 3 của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu của chip bán dẫn toàn cầu trong năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Quan trọng hơn, những linh kiện nhỏ, nhưng có thể tìm thấy ở mọi nơi, mọi thiết bị điện tử, trở thành động lực thúc đẩy cho nền kinh tế trên toàn cầu.

Ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhìn nhận, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta thấy rõ hơn chuỗi cung ứng chip bị gián đoạn, xung đột Mỹ - Trung đã làm thay đổi bản chất ngành, đó là cơ hội mới cho Việt Nam trong ngành sản xuất chip.

Việt Nam có lợi thế về nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, một số nước khác có lợi thế nhân lực tương tự như Thái Lan, Philippines cũng quan tâm sản xuất chất bán dẫn. Chính phủ các quốc gia này đã nỗ lực ban hành chính sách riêng thu hút chất bán dẫn.

Tuy nhiên, ông Jimmy Goodrich nhìn nhận, Việt Nam có lợi lớn khác là sự hiện diện Intel, Samsung – những tập đoàn hàng đầu về công nghệ đã xây dựng nhà máy và tiến tới mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam. Đó là điều mà các nước trên không có, điều đó có nghĩa họ phải thuyết phục nhà đầu tư mới. Còn Việt Nam được chứng minh là một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực linh kiện bán dẫn.

Chưa kể để xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán dẫn có thể mất tới cả 10 năm, vì vậy điều các nhà đầu tư cần là thể chế chính trị ổn định. Đây là những yếu tố mà Việt Nam có, thỏa mãn điều kiện quan trọng mà các nhà đầu tư mong muốn.

Tạo luồng xanh đặc biệt về thu hút công nghệ

Ông Jimmy Goodrich cho rằng, ban đầu Việt Nam nên tập trung vào 2 trong 3 phân đoạn của làm chip là thiết kế và đóng gói, bởi đòi hỏi vốn ít hơn, tận dụng được trình độ công nhân công nghệ cao như Intel.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn. Ông Philipp Rosler, nguyên Giám đốc điều hành diễn đàn kinh tế thế giới, cho rằng Việt Nam cần tạo ra luồng xanh đặc biệt về công nghệ để nắm bắt cơ hội toàn cầu.

Chính phủ chưa cần thiết phải tạo ra những chính sách hỗ trợ đặc biệt như “bơm tiền”, hoặc tung ra gói trợ cấp, bởi đó là cách dễ nhưng ít hiệu quả, thậm chí cũng không phải miễn bỏ thủ tục. Điều quan trọng hơn mà ông Philipp Rosler nhắn nhủ đơn giản là làm những gì đang làm với tốc độ giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, bởi tốc độ là yếu tố quan trọng nhất trong cách mạng Công nghiệp 4.0

Trong khi đó, trình độ nhân lực cao cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đáp ứng được ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như tiếp nhận được chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang nắm trong tay công nghệ sản xuất chip tối tân thế giới, để làm được việc này họ mất hàng chục năm nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ cao.

Trước những thách thức này, ông Dennis Btunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia, cho rằng cách làm hiệu quả nhất của Việt Nam lúc này là thu hút kỹ sư chip có trình độ cao trên thế giới về Việt Nam làm trong vài năm, các kỹ sư này sẽ giúp chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho kỹ sư Việt Nam. Để làm được điều này, Chính phủ cần chính sách đặc biệt thu hút nhân tài quốc tế đặc biệt trong ngành bán dẫn.

Dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH&CN quốc gia cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Mới đây phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch, bán dẫn. Công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai.

Một khi đáp ứng được những yêu cầu trên, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới sản xuất ra được sản phẩm chip mang thương hiệu Việt Nam. Đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam dự báo vượt giá trị 6,17 tỷ USD. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel. Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho hay, doanh nghiệp này đã có sản phẩm thương mại hóa nhưng ẩn phía sau như camera nhận diện khuôn mặt, công nghệ nhận dạng được cứng hóa đúc vào PC figa và nếu có sản lượng lớn sẽ thuê đơn vị thứ 3 đúc ra con chip của mình.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhieu-quoc-gia-muon-lam-trung-tam-san-xuat-chip-toan-cau-vi-sao-viet-nam-duoc-goi-ten-1095280.html