Nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu bắt buộc nhà giáo có chứng chỉ hành nghề

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là yêu cầu bắt buộc.

Cô - trò Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Cô - trò Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Theo PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), yêu cầu trên nhằm đảm bảo rằng, các giáo viên/giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Các cơ quan cấp phép yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn,và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khóa đào tạo nâng cao.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo rằng, họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo toàn văn dự thảo Luật Nhà giáo; trong đó điểm mới về quy định liên quan đến chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Dự thảo nêu: “Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác”.

PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hiệp.

PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hiệp.

Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo ở Mỹ

Tại Hoa Kỳ, quyền quản lý giáo dục chủ yếu thuộc về các tiểu bang, mỗi tiểu bang có thể áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho việc cấp phép giáo viên. Các kỳ thi cấp phép thường bao gồm kiểm tra kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn cấp phép còn yêu cầu giáo viên phải tiếp tục phát triển chuyên môn qua các khóa học và chương trình cập nhật kiến thức định kỳ. Một số bang yêu cầu giáo viên phải qua các kỳ thi Praxis hoặc các kỳ thi tương đương khác để đánh giá năng lực giảng dạy (Goldhaber & Brewer, 2000).

Nghiên cứu của Goldhaber và Brewer đã chỉ ra rằng, điểm số trong các kỳ thi này có thể dự đoán phần nào chất lượng giảng dạy của giáo viên, dù không hoàn toàn chính xác. Việc cấp phép và tái cấp phép cho giáo viên cũng rất khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Một số tiểu bang yêu cầu giáo viên phải tái chứng nhận mỗi vài năm thông qua quá trình đào tạo liên tục và thi lại các bài kiểm tra để đảm bảo họ cập nhật với các phương pháp giảng dạy mới và tiêu chuẩn giáo dục (Goldhaber & Brewer, 2000).

Yêu cầu chung đối với chứng chỉ giảng dạy bao gồm lấy bằng Cử nhân và hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên. Có một số tiểu bang có yêu cầu về các môn học cụ thể hoặc yêu cầu về số giờ tín chỉ đại học để được chứng nhận trong các lĩnh vực chuyên môn. Chứng chỉ hành nghề được cấp theo từng bang. Khi giáo viên chuyển việc giảng dạy ở các bang, cần xin cấp phép lại hoặc chuyển giấy phép ở một số bang có cơ chế chứng nhận ngang hàng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên sư phạm cần hoàn thành bài kiểm tra năng lực để được cấp giấy phép hành nghề. Các quy tắc cấp phép do hội đồng giáo dục của mỗi bang đặt ra và trong khi hầu hết các bang yêu cầu hoàn thành bài kiểm tra tiêu chuẩn chẳng hạn như: Kỳ thi Praxis) để chứng minh năng lực môn học và sự thông thạo các kỹ năng cơ bản, các yêu cầu khác lại mang tính cá nhân hóa cao.

Giấy phép hành nghề dạy học thường có thời hạn 5 năm. Giáo viên có thể được cấp phép trong lĩnh vực giáo dục theo các cấp học hoặc một lĩnh vực chuyên môn cụ thể, chẳng hạn như đọc, viết, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hoặc giáo dục đặc biệt.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày tốt nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày tốt nghiệp.

Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo ở Úc

Ở hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, có hai con đường phổ biến để trở thành giáo viên: Hoàn thành bằng sư phạm 4 năm, tùy thuộc vào nơi học, đào tạo người học để trở thành giáo viên mầm non hoặc tiểu học và trong một số trường hợp, là giáo viên trung học; Hoàn thành bằng đại học về một chuyên ngành cụ thể như khoa học hoặc âm nhạc cộng với bằng sư phạm sau đại học.

Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo ở Vương quốc Anh

Để trở thành giáo viên có trình độ tại các trường do nhà nước quản lý trên khắp Vương quốc Anh, cần phải tham gia chương trình Đào tạo Giáo viên Ban đầu (ITT - Initial Teacher Training hoặc ITE - Initial Teacher Education). Đầu vào của các chương trình này nhìn chung có tính cạnh tranh, nhưng ít hơn đối với các môn học như toán, vật lý và ngôn ngữ.

Việc hoàn thành ITT sẽ dẫn đến chứng nhận đạt chuẩn trình độ giáo viên (QTS - Qualified Teacher Status ở Anh và xứ Wales cũng như Chứng chỉ Giảng dạy (TQ - Teaching Qualification ở Scotland. Một số trường và học viện có thể không lấy QTS hoặc việc đăng ký với hội đồng giảng dạy làm yêu cầu đầu vào.

PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) báo cáo tại Hội thảo Khoa học và lý luận thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp.

PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) báo cáo tại Hội thảo Khoa học và lý luận thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo. Ảnh: Trần Hiệp.

Cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo ở Trung Quốc

Chứng chỉ năng lực giáo viên là chứng chỉ hợp pháp mà người sở hữu có trình độ chuyên môn giáo viên được công nhận trên toàn quốc. Giáo viên trong các trường học và cơ sở giáo dục khác ở các cấp, loại hình phải có trình độ chuyên môn nhà giáo theo quy định của pháp luật và có chứng chỉ trình độ giáo viên tương ứng.10

Cơ quan cấp chứng chỉ: Chứng chỉ năng lực giáo viên là chứng chỉ do cơ sở quản lý giáo dục cấp để chứng nhận nhân sự tham gia hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp chứng chỉ này chủ yếu bao gồm Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục tỉnh và Phòng Giáo dục thành phố.

Trong đó, Bộ Giáo dục là cơ quan cấp chứng chỉ trình độ giáo viên quốc gia và chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn trình độ giáo viên quốc gia, chính sách và quy chế thi cử, v.v.; Sở Giáo dục cấp tỉnh và Phòng Giáo dục thành phố chịu trách nhiệm xác định, cấp chứng nhận tư cách giáo viên ở khu vực tương ứng của họ.

Mỗi năm, các tỉnh có 2 đợt thi để cấp chứng nhận: đợt mùa xuân từ tháng 3-7 hàng năm (có tỉnh chia thành 2 đợt nhỏ) và đợt mùa thu từ tháng 9-11 hàng năm. Giấy chứng nhận trình độ giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục của Hội đồng Nhà nước in theo mẫu thống nhất.

Mỗi giấy chứng nhận sẽ bao gồm 17 chữ số, gồm 4 chữ đầu là mã năm cấp, số thứ 5 và 6 là mã hành chính của tỉnh/khu tự trị, tiếp đến là mã cơ quan kiểm định trình độ giáo viên và các mã số do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh quy định thống nhất.

Cơ quan chứng nhận trình độ giáo viên sẽ cấp chứng chỉ trình độ giáo viên cho người nộp đơn trong thời hạn quy định sau khi xác nhận trình độ giáo viên tương ứng của người nộp đơn.

Điều đáng chú ý là tiêu chuẩn chứng nhận trình độ giáo viên và chính sách kiểm tra có thể khác nhau ở các tỉnh và khu vực khác nhau, vì vậy ứng viên cần nộp đơn theo quy định của địa phương. Theo quy định liên quan, chứng chỉ giáo viên có giá trị lâu dài.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-yeu-cau-bat-buoc-nha-giao-co-chung-chi-hanh-nghe-post687564.html