Nhiều quy định đối với công chức, viên chức có hiệu lực

Trong tháng 11, nhiều chính sách liên quan đến các đối tượng là học sinh, sinh viên và công chức, viên chức bắt đầu có hiệu lực.

Hai căn cứ xác định vị trí việc làm của viên chức

Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, quy định 02 căn cứ xác định vị trí việc làm của viên chức bao gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, Nghị định 106/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức. Cụ thể phân loại theo khối lượng công việc gồm: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Phân loại theo tính chất, nội dung công việc gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý. Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập); Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Những quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

Số biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở

Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó, có quy định biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở.

Cụ thể, tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở như sau: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí: Tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của TP Hà Nội và TP.HCM; Tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; Tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Bên cạnh đó, Nghị định 107/2020 cũng quy định tiêu chí thành lập văn phòng, chi cục, phòng thuộc chi cục thuộc sở, cụ thể: Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng…

Nghị định 107/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Một bộ phận trẻ mẫu giáo sẽ được hỗ trợ bữa ăn trưa.

Một bộ phận trẻ mẫu giáo sẽ được hỗ trợ bữa ăn trưa.

Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo

Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ 1/11/2020. Theo đó, trẻ em độ tuổi mẫu giáo (trừ trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người được điều chỉnh bởi Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017) đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ ăn trưa, nếu bảo đảm một trong những điều kiện như thường trú ở vùng đặc biệt khó khăn; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; là con của liệt sĩ; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Mức hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Với giáo viên mầm non, Nghị định 105 quy định, từ ngày 1/11/2020, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Điều kiện để được hỗ trợ bao gồm: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; có hợp đồng lao động với người đại diện trường; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.

Cũng theo Nghị định nêu trên, giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được phê duyệt ở các trường mầm non công lập sẽ được hưởng chế độ như viên chức (hạng IV) đến hết năm 2021.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng

Mức hỗ trợ sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm từ khóa tuyển sinh năm 2021 – 2022 sẽ nhận được, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 là 3,6 triệu đồng/tháng. Sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của trường đang theo học (đồng nghĩa với việc không phải đóng học phí). Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học.

K.Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-quy-dinh-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-co-hieu-luc-522071.html