Nhiều quy định mới nhằm chấn chỉnh vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Sau gần 10 năm được ban hành, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đây là khẳng định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong dự thảo tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Dự thảo Nghị định được triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 21/9.

Khắc phục nhiều bất cập bằng các quy định mới

Theo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo đó, nhiều nội dung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung mới như quy định chi tiết và phân định rõ các quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi, bổ sung về giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian… Tương ứng với các quy định sửa đổi, bổ sung về nội dung, cần có những quy định sửa đổi, bổ sung về chế tài xử phạt để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Bảo vệ bản quyền tốt hơn cũng sẽ giúp nghệ thuật biểu diễn phát triển tốt hơn.

Bảo vệ bản quyền tốt hơn cũng sẽ giúp nghệ thuật biểu diễn phát triển tốt hơn.

Mặt khác, thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để giải quyết.

Cụ thể, một số hành vi vi phạm gây thiệt hại lớn cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nhưng mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đủ mạnh để răn đe. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm chưa phù hợp, chưa tương xứng với mức độ gây thiệt hại của hành vi vì chưa căn cứ vào mức độ gây thiệt hại hay giá trị, số lượng hàng hóa xâm phạm. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng ngày càng phức tạp. Hiện nay chưa có quy định quy trình yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan dẫn đến tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ…

Việc ban hành Nghị định mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ khắc phục các bất cập nói trên.

Quy định rõ hành vi vi phạm, tăng chế tài xử phạt

Về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định có nhiều hành vi mới được bổ sung. Trong đó, Nghị định sẽ có quy định rõ về hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý, thủ tục chấp thuận việc dịch hoặc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại; hành vi vi phạm về hoạt động đại diện tập thể, giám định, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…

Nhiều hành vi vi phạm được quy định áp dụng mức tiền phạt cao hơn và thêm các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng so với Nghị định số 131/2013/NĐ-CP như hành vi xâm phạm các quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa sao chép lậu; hành vi vi phạm về sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh, thương mại và phát sóng theo giới hạn quyền; hành vi vi phạm về áp dụng biện pháp công nghệ hữu hiệu, thông tin quản lý quyền; hành vi vi phạm về hoạt động đăng ký, đại diện tập thể, giám định, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;…

Đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, quyền phân phối bản gốc, bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, dự thảo Nghị định thiết kế tương ứng các khung tiền phạt tăng dần theo một trong ba tiêu chí là số lợi bất hợp pháp thu được hoặc mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền hoặc giá trị của hàng hóa vi phạm. Đối với tác phẩm mỹ thuật là loại hình tác phẩm gần như không thể xác định được giá trị tác phẩm trong nhiều trường hợp xâm phạm quyền sao chép, phân phối, dự thảo Nghị định thiết kế một khoản riêng để quy định khung phạt tiền chung cho loại hình tác phẩm này.

Cơ quan soạn thảo Nghị định cũng thiết kế phương án bổ sung quy định quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo dự thảo Nghị định, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra (Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Giao thông vận tải), CAND, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Việc quy định này nhằm bảo đảm hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời đối với những hành vi xảy ra tại khu vực biên giới, trên biển, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nhieu-quy-dinh-moi-nham-chan-chinh-vi-pham-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-i701736/