Nhiều quyết sách đáng nhớ của ngành Tài chính

Trong hơn 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Tài chính đã có nhiều quyết sách đáng nhớ, nhất là trong điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những tác động của dịch bệnh, thiên tai và những diễn biến phức tạp trong khu vực, thế giới.

Trong đó phải kể đến ngành Tài chính đã đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19; đẩy mạnh điện tử hóa chống thất thu thuế; đưa tỷ lệ nợ công giảm liên tục; tăng cường quản lý giá, kiểm soát lạm phát; củng cố thị trường tài chính;...

Trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 và khó khăn về kinh tế, trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2021- 2022 khoảng 377,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thu ngân sách Nhà nước khoảng 191,5 nghìn tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua vắc xin tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân; chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 và trực tiếp chỉ đạo, quản lý điều hành quỹ. Đến hết ngày 30/6/2024 đã huy động được 10.912,8 tỷ đồng từ các tổ chức cá nhân ủng hộ.

Với các giải pháp chính sách tài khóa nêu trên, kết hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, cùng với kiểm soát được dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh đã từng bước hồi phục, đời sống người dân đã trở lại bình thường, đà tăng trưởng kinh tế phát triển trở lại.

Có thể nói, trong hơn 3 năm qua, các giải pháp chống thất thu thuế được ngành Tài chính thúc đẩy một cách mạnh mẽ, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản, thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Điện tử hóa, hiện đại hóa quản lý thu được đẩy mạnh triển khai ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cũng được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đến hết năm 2023 đã có 99,95% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,16% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử. Triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc từ ngày 21/4/2022 tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý từ khi triển khai đến hết năm 2023 là hơn 6,1 tỷ hóa đơn.

Cũng trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã đưa tỷ lệ nợ công giảm liên tục từ mức 55,9% GDP cuối năm 2020 xuống còn 42,7%GDP cuối năm 2021; khoảng 37,4% GDP năm 2022 và từ cuối năm 2023 còn khoảng 37% GDP. Năm 2022, Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.

Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2023 trước biến động tăng giá mạnh của các mặt hàng chiến lược như dầu, than… trên thị trường thế giới, gây áp lực lên lạm phát trong nước, Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã thường xuyên đánh giá, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát; xây dựng các kịch bản, kiến nghị các giải pháp điều hành giá cả thị trường, phù hợp với từng mặt hàng, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu Nhà nước quản lý điều hành giá.

Thường xuyên cập nhật diễn biến theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá; đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá; tránh việc lợi dụng giá xăng dầu tăng để kết cấu thêm các khoản chi phí, tăng giá hàng hóa bất hợp lý .

Với các giải pháp đã thực hiện, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của tác động tăng giá trên thị trường thế giới, song chỉ số giá tiêu dùng năm 2021, 2022 và 2023 chỉ tăng lần lượt 1,84% và 3,21% và 3,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiếp tục khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối tháng 8/2023, quy mô thị trường vốn đạt khoảng 100,1% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt khoảng 66,1% GDP, thị trường trái phiếu đạt 34% GDP, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm đạt khoảng 9,1%GDP.

Trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước có nhiều biến động, tính tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa cao, hành vi thao túng giá phức tạp trên thị trường chứng khoán, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm có bất cập trong hoạt động bán chéo qua các ngân hàng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nhà đầu tư, hàng hóa trên thị trường; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực quản trị rủi ro, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường bảo hiểm trong nước đã dần ổn định.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-quyet-sach-dang-nho-cua-nganh-tai-chinh-176101.html