Nhiều rào cản cho tự chủ đại học
Vướng mắc, thiếu đồng bộ giữa các luật khiến việc thực hiện tự chủ đại học ở các trường gặp nhiều trở ngại.
Đánh giá cao về tự chủ đại học (ĐH) tại tọa đàm “Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ”, do báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-11, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng đây là hướng đi đúng đắn nhưng còn mới ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo GS Quân, như hiện nay, dù đã trở thành chủ trương và được cụ thể hóa vào luật nhưng việc thực hiện còn nhiều vướng mắc, vướng tư duy và còn nhiều ràng buộc pháp lý do luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.
Loay hoay với tự chủ đại học
PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết từ năm 2014, cả nước có 23 cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ.
TS Nghĩa cho rằng tự chủ đã được luật hóa nhưng còn khá mới. Do đó, tự chủ ĐH còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Công chức, Luật Viên chức… Do vậy, khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật.
Đồng quan điểm, ThS Đoàn Xuân Quang, Phó phòng phụ trách Phòng hành chính - tổng hợp, Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng nhận định các quy định pháp luật về tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH sau khi được ban hành đã xuất hiện một số bất cập.
ThS Xuân Quang chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đó là trong việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản, Luật Giáo dục ĐH năm 2012, Luật sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99/2019 cần phải có sự đồng bộ với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách... và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Bởi lẽ vấn đề về tài chính và tài sản là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các luật về tài chính công, đầu tư công, về kiểm toán, kế toán...
Mặt khác, trong việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức và nhân sự thì phải có sự đồng bộ với các quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
Bên cạnh quyền tự chủ của các trường ĐH là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ban hành các thông tư để hướng dẫn các trường và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời cũng sẽ kiến nghị với các bộ ngành, các bộ chủ quản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tự chủ ĐH.
PGS-TS HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Cần giao quyền nhiều hơn cho các trường
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề buổi tọa đàm, GS Trần Hồng Quân nói thêm: Tự chủ ĐH sẽ tạo ra động lực tự thân mạnh mẽ cho các trường từ áp lực phải tự lực để tồn tại, từ áp lực phải chịu trách nhiệm kết quả cuối cùng của hoạt động nhà trường trước Nhà nước, trước xã hội và trước sự đánh giá của thị trường dịch vụ giáo dục. Động lực đó tạo ra sức sống mới mạnh mẽ cho lãnh đạo tất cả các cấp và đội ngũ của nhà trường.
“Để làm được, cơ quan quản lý phải thay đổi, phải đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục ĐH” - GS Quân nói.
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), đề nghị cần phải thay “chiếc áo” quá chật cho tự chủ ĐH, phải giải quyết về quản trị, về tư duy tự chủ…
Lý do là hiện có rất nhiều bộ, ngành đang là đơn vị chủ quản của rất nhiều trường. Bên cạnh đào tạo các ngành thế mạnh theo quản lý của cơ quan chủ quản, các trường ĐH, CĐ này cũng giảng dạy rất nhiều chuyên ngành khác nhau theo nhu cầu thị trường lao động. Rõ ràng, việc phân bổ ngân sách cho các bộ rồi phân tiếp cho các trường trực thuộc là việc làm không phù hợp, khiến cho bộ máy các bộ cồng kềnh, thiếu tập trung vào nhiệm vụ chính về quản lý nhà nước.
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trước tiên
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, kiến nghị cần có hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành từ năm 2014. Đã có cơ chế tự chủ cho các trường ĐH thì trường CĐ cũng cần được trao cơ chế tự chủ.
Thứ hai, cần cho các trường ĐH được phép tự chủ cấp giấy phép lao động cho giảng viên là người nước ngoài. Hiện mới chỉ có ba trường được tự cấp phép. Bởi trong tiến trình quốc tế hóa phải cho các trường thêm phần tự chủ này, tất nhiên là phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện nhưng như hiện nay phải thông qua Sở LĐ-TB&XH rất mất thời gian.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng, kiến nghị: Khi tự chủ ĐH, các trường được tự chủ trong đóng mở ngành nhưng có những ngành rất mới, không nằm trong danh mục của Bộ GD&ĐT nên sẽ rất khó. Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn chi tiết mở ngành; làm rõ khái niệm liên ngành, những ngành mới không có trong danh sách của bộ.
TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho biết: Cần công nhận lực lượng đào tạo tay nghề cho sinh viên năm cuối tại các doanh nghiệp là “giảng viên”. Thực tế hiện nay, sinh viên năm cuối ở một số trường được thực tập, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, đó là thời gian các em được học tập, trải nghiệm thực tế, được học hỏi từ chính các kỹ sư lành nghề, chuyên gia của các doanh nghiệp, thế nhưng họ không được gọi tên trong danh sách lực lượng giảng dạy khi nhà trường phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-rao-can-cho-tu-chu-dai-hoc-949669.html