Nhiều rủi ro, nguy hiểm khi nuôi động vật hoang dã

Việc nuôi động vật hoang dã (cả loài bản địa và ngoại lai) vì mục đích thương mại hoặc nuôi 'thú cưng' đều tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho chính chủ nuôi và những người xung quanh.

Công an tỉnh Nghệ An cùng lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 17 cá thể cọp được nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân tại H.Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vào ngày 4-8. Ảnh: Tư liệu

Công an tỉnh Nghệ An cùng lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 17 cá thể cọp được nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân tại H.Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vào ngày 4-8. Ảnh: Tư liệu

Dù đã có nhiều quy định cấm hoặc hạn chế nhưng không ít người vẫn bất chấp rủi ro pháp lý, nguy hiểm tính mạng, lén lút nuôi động vật hoang dã.

* Nguy hiểm khi nuôi nhốt động vật hoang dã

Ngày 4-8, Công an tỉnh Nghệ An thu giữ 17 con cọp bị nuôi nhốt trái phép (tại 2 nhà dân ở H.Yên Thành, tỉnh Nghệ An) khiến nhiều người dân địa phương bất ngờ và không khỏi giật mình khi bấy lâu nay sống gần loài vật nguy hiểm này mà không biết. Số cọp nói trên được 2 hộ dân nhập trái phép từ Lào về nuôi nhốt, mỗi con nặng hơn 200kg, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Tại Đồng Nai, theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), hiện toàn tỉnh có 938 cơ sở gây giống, nuôi dưỡng động vật hoang dã với gần 430 ngàn cá thể của 67 loài. Trong đó, có 14 loài thông thường, 35 loài nhập khẩu, 18 loài nguy cấp, quý hiếm (theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các cơ sở có đăng ký nêu trên vẫn còn nhiều trường hợp lén lút nuôi dưới dạng “thú cưng” trong nhà. Từ một vài cá thể ban đầu, người nuôi đã tự tìm hiểu, âm thầm nhân giống và bán lại cho nhiều người có cùng sở thích. Chủ yếu là các động vật có kích thước tương đối nhỏ như: nhện, bọ cạp, lớn hơn thì có kỳ đà, khỉ…; không ít trong số đó là loài ngoại lai, được nhập lậu vào nước ta và rao bán tại các nhóm kín trên mạng xã hội.

Theo Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cảnh báo, các động vật hoang dã (bất kể loại thông thường hay nguy cấp, quý hiếm) dù nuôi nhốt từ lâu hoặc sinh ra trong môi trường nhân tạo nhưng vẫn rất dễ bị “căng thẳng” trước con người. Từ đó dẫn tới việc động vật hoang dã tấn công con người là khó tránh khỏi, đặc biệt với các động vật có kích thước tương đối như: khỉ, rắn…, hoặc kích thước lớn như: cá sấu, gấu…

Thời quan qua, đã xảy ra một số vụ động vật hoang dã tấn công, gây thương tích cho người. Cụ thể, ngày 21-10-2020, 2 người đàn ông tại H.Trảng Bom đã được Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng ở bàn tay do 1 con khỉ 12kg nuôi trong nhà xổng chuồng tấn công. Hay trước đó, 1 người đàn ông đã bị cọp trong Khu du lịch T.C. (tỉnh Bình Dương) tấn công làm 2 cánh tay bị đứt rời…

Một con rùa được quảng cáo là rùa hộp trán vàng (loài nguy cấp, quý hiếm) được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Một con rùa được quảng cáo là rùa hộp trán vàng (loài nguy cấp, quý hiếm) được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

* Rủi ro pháp lý cao

Từ lâu, việc nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã (cả bản địa hoặc ngoại lai) đã có quy định cấm hoặc hạn chế. Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, danh mục động vật rừng thông thường và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đồng thời, các hành vi liên quan đến động vật rừng (quảng cáo để bán, mua bán, săn bắt, nuôi nhốt… trái phép) cũng được quy định phạt hành chính bằng các điều khoản của Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật (hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của động vật) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) sẽ vi phạm Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Mức phạt cho tội danh này là từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Tại Đồng Nai, thời gian qua đã có nhiều vụ việc săn, bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã bị phát hiện, xử lý. Như ngày 9-4, bà L.T.K.M. (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) bị truy tố về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Vào cuối năm 2020, Công an H.Vĩnh Cửu bắt quả tang bà M. vận chuyển 1 con tê tê chuẩn bị đi bán (con tê tê cũng được bà M. mua trái phép). Trước đó, ngày 20-5-2020, 4 đối tượng cùng ngụ H.Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đã bị TAND H.Tân Phú tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù giam về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm do săn bắt trái phép nhiều loài động vật rừng quý hiếm tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Để hạn chế tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, ngày 19-7, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn 13-HD/BTGTW tăng cường tuyên truyền thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho thế hệ trẻ chung tay bảo tồn, hướng đến mục tiêu giảm thiểu nhu cầu sử dụng, đẩy lùi nguy cơ săn, bắt, buôn bán, góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202108/nhieu-rui-ro-nguy-hiem-khi-nuoi-dong-vat-hoang-da-3072521/