Nhiều rủi ro pháp lý khi tiêu thụ động vật hoang dã

Trong những năm vừa qua, tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã (ĐHVD) nguy cấp, quý, hiếm vẫn diễn biến phức tạp mà một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ niềm tin, thói quen sử dụng các loại thuốc, dược liệu từ ĐVHD để chữa bệnh hoặc nâng cao sức khỏe. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, việc buôn bán, tiêu thụ, chế biến ĐVHD bị xử lý rất nặng.

Một cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền quảng cáo bán thuốc, dược liệu từ ĐVHD. Ảnh: Bùi Hà

Một cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền quảng cáo bán thuốc, dược liệu từ ĐVHD. Ảnh: Bùi Hà

“Mạnh tay” với hành vi buôn bán động vật hoang dã

Ngày 23/1/2023, Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã tuyên phạt Trương Quang Bích (sinh năm 1977, trú tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) mức án 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Trước đó, ngày 1/9/2022, Công an huyện Đức Trọng đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng khi đang có hành vi vận chuyển trái phép 2 cá thể tê tê Java còn sống. Đây là loài ĐVHD lớp thú nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ loài cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, mọi hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD thuộc danh mục này đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cũng do vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, 5 đối tượng mua bán hổ tại Thanh Hóa cũng bị cơ quan chức năng xử lý hình sự. Cụ thể, ngày 28 và 29/12/2022, Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên hình phạt tù với cả 5 đối tượng về hành vi mua hổ về nhà nấu cao.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 10/4/2022, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Công an huyện Thường Xuân phát hiện đối tượng Đỗ Văn Lấn (sinh năm 1974) và vợ là Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1977), trú tại xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân tàng trữ trái phép 1 cá thể hổ trưởng thành đông lạnh, 1 bộ da hổ, 15kg xương ĐVHD, cùng nhiều vật dụng để chuẩn bị nấu cao tại nhà riêng.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng bắt giữ thêm nhiều đối tượng có liên quan đến hoạt động tàng trữ, mua bán trái phép ĐVHD này, bao gồm: Hoàng Văn Hiến (sinh năm 1974); Nguyễn Văn Liệu (sinh năm 1967), đều trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1966), trú tại phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo thông tin tại phiên tòa, khoảng cuối tháng 3/2022, thông qua sự môi giới của Tuấn, vợ chồng Lấn đến nhà Hiến, mua một cá thể hổ được cấp đông với giá 145 triệu đồng rồi thuê Liệu vận chuyển về Thanh Hóa. Sau đó, Lấn và Oanh chụp ảnh, quay video cá thể hổ giới thiệu quảng cáo tới khách hàng. Đến ngày 10/4/2022, khi 2 đối tượng đang chuẩn bị nấu cao cá thể hổ thì bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang và tịch thu toàn bộ tang vật. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Hiến, cơ quan chức năng còn thu giữ thêm 4 chi gấu ngựa bị tàng trữ trái phép.

Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt đối tượng: Đỗ Văn Lấn 15 tháng tù; Nguyễn Thị Oanh 14 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 28 tháng; Hoàng Văn Hiến 14 tháng tù và Nguyễn Văn Liệu 12 tháng tù. Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn nhận hình phạt 14 tháng tù, nhưng bị tổng hợp hình phạt với bản án “treo” trước đó và phải chấp hành tổng cộng 50 tháng tù cho cả 2 bản án. Các đối tượng cũng bị tuyên truy thu số tiền thu lợi bất chính trong vụ án này.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Mặc dù cơ quan chức năng đã “mạnh tay” xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD, tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp, mà một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen sử dụng các loại thuốc, dược liệu từ ĐVHD để chữa bệnh hoặc nâng cao sức khỏe. Trong đó, cao hổ, mật gấu, sừng tê giác… thường được quảng cáo như “thần dược” có nhiều tác dụng và rao bán với giá cao trên Internet hoặc tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền.

Phiếu cam kết gửi đến các thầy thuốc, cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền trên cả nước. Ảnh: Bùi Hà

Phiếu cam kết gửi đến các thầy thuốc, cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền trên cả nước. Ảnh: Bùi Hà

Hiện, tất cả các loài ĐVHD đều được bảo vệ ở những cấp độ khác nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ngoài những loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm”, theo quy định của Luật Đầu tư, việc quảng cáo, kinh doanh các loài ĐVHD khác đều phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Mọi hành vi tàng trữ, kinh doanh trái phép các dược liệu, thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD đều bị nghiêm cấm và phải đối diện với các hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Hành vi quảng cáo, rao bán trái phép các sản phẩm thuốc từ ĐVHD nguy cấp cũng có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân. Hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc từ ĐVHD cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân.

Để xóa bỏ các vi phạm liên quan đến ĐVHD, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho rằng: “Ngoài việc phải tiếp tục ưu tiên đấu tranh và triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn về ĐVHD thì chúng ta cũng cần phải nỗ lực xóa bỏ tình trạng tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD; xử lý triệt để các hành vi vi phạm ở mọi cấp độ, đặc biệt là những người tiêu thụ và các cơ sở kinh doanh. Trong nỗ lực ngăn chặn các vi phạm về ĐVHD, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Xóa bỏ vi phạm về ĐVHD không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng và toàn xã hội”.

Nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc, dược liệu từ ĐVHD, ENV đã chia sẻ thông tin đến gần 2.000 cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền tại 9 thành phố lớn trên cả nước và kêu gọi các cơ sở này tham gia Mạng lưới cơ sở kinh doanh/thầy thuốc y dược cổ truyền thân thiện với ĐVHD cũng như cam kết không buôn bán trái phép thuốc, dược liệu có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trước đó, phim ngắn “Nói không với sử dụng thuốc từ ĐVHD” đã được ra mắt vào tháng 6/2022 trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook và TikTok.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV đã ghi nhận 113 vụ việc vi phạm liên quan đến hành vi quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ trái phép tê tê và sản phẩm từ tê tê. Hơn 35% số vụ việc trên (40/113 vụ) được ghi nhận trên không gian mạng. Bên cạnh đó, khoảng 6,4 tấn vảy tê tê đã bị cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu từ các vụ vận chuyển, buôn lậu trái phép qua các cảng và cửa khẩu trong năm 2022.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-rui-ro-phap-ly-khi-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-post458764.html