Nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại xã Đông Phú
Báo Thanh Hóa nhận được phản ánh của đại diện người dân thôn Phú Bình, xã Đông Phú (Đông Sơn) về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn từ trước những năm 2010, trong đó có nhiều trường hợp bán đất trái thẩm quyền.
Khu đất mà gia đình ông Nguyễn Văn Hách, thôn Phú Bình, xã Đông Phú đang sử dụng.
Viết hợp đồng cho thuê để bán đất ở
Đó là câu chuyện xảy ra với gia đình ông Nguyễn Văn Hách – một gia đình nạn nhân chất độc da cam, sinh sống ở thôn Phú Bình (trước đây là thôn Phú Bật), xã Đông Phú. Ông Hách cho biết, năm 2009, do có nhu cầu mua đất ở cho con trai ra ở riêng nên ông đã đến UBND xã đề nghị mua lại khu đất 160m2 ở xứ đồng Nước Mạ. Đây vốn là diện tích đất nông nghiệp khó canh tác bị bỏ hoang, người dân thường đổ rác thải. Được sự đồng ý của cán bộ UBND xã Đông Phú thời kỳ đó, ông Hách đã nộp số tiền 10 triệu đồng để mua đất, có phiếu thu tiền của UBND xã Đông Phú.
Thế nhưng, khi nhận được giấy tờ mà xã giao, ông Hách ngạc nhiên khi trên phiếu thu tiền, cán bộ xã Đông Phú lại ghi lý do nộp tiền là “thu tiền thuê đất khó giao”. Cán bộ xã còn đưa cho ông 1 hợp đồng kinh tế về việc cho thuê đất hoang hóa, khó giao giữa UBND xã Đông Phú (đại diện là ông Nguyễn Chí Luất, Phó Chủ tịch UBND xã) và gia đình ông Nguyễn Văn Hách. Theo nội dung trong hợp đồng, tổng diện tích đất cho thuê là 160m2 tại vị trí tờ bản đồ số 05, thửa số 334, bản đồ đổi điền năm 2001; mục đích cho thuê để sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói, thời hạn cho thuê đất là lâu dài?!
Ông Hách thắc mắc mình mua đất ở nhưng giấy tờ lại là đất cho thuê và phản ánh lại thì cán bộ xã thời bấy giờ giải thích rằng xã không có quyền bán đất ở nên viết là thuê đất không thời hạn, khi làm nhà ở chỉ cần báo cáo với xã là được. Với hiểu biết của mình và tin tưởng lời của cán bộ, ông Hách không hoài nghi gì thêm. Ngay sau khi được giao đất, gia đình ông làm nhà cấp 4 để ở và làm nghề thợ hàn. Năm 2011, gia đình ông tiếp tục làm thêm 1 căn nhà kiên cố khác trên phần đất đó và sống ổn định từ đó đến nay đã 10 năm. Ông Hách nhiều lần đề nghị UBND xã Đông Phú lập hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không được. “Nhiều lần hỏi cán bộ xã, xã bảo lên huyện, nhưng khi lên huyện thì lại bảo về xã giải quyết, người dân như tôi không biết nên thế nào. Nay xã lại vận động gia đình tôi hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình kênh tưới từ thôn Phú Bình - Hoàng Thịnh, gia đình tôi hoàn toàn đồng ý thực hiện, nhưng cũng mong địa phương sớm có hướng xử lý đối với vụ việc đất đai của gia đình” - ông Hách nói.
Trường hợp của gia đình bà Lê Thị Sâm, người cùng thôn, cũng vô cùng hoang mang về QSDĐ đối với lô đất mà gia đình bà vừa mua lại của gia đình ông Nguyễn Bá Bằng. Theo lời kể của bà Sâm, ông Bằng là người thôn Hoàng Thịnh (trước đây là thôn Hoàng Lạp). Tháng 10-2009, ông Bằng mua đất ở tại thôn Phú Bình với diện tích 150m2 tại xứ Đồng Gốc. Giấy tờ mà ông Bằng giao lại cho gia đình bà Sâm gồm, biên lai thu tiền (ngày 20-10-2009 với số tiền đã nộp là 14 triệu đồng, nội dung thu “tạm thu hộ tiền đất mua ở khu vực P.Bật”) và 1 tờ biên bản cho thuê đất ngày 3-7-2010 nhưng lại có nội dung “bàn giao đất thực địa cho hộ gia đình sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở Nhân dân tại khu dân cư xã Đông Phú”. Biên bản này có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú thời bấy giờ là ông Nguyễn Chí Luất và cán bộ địa chính Nguyễn Văn Thanh. Phần diện tích đất này đến nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận về QSDĐ.
Gia đình ông Nguyễn Chí Nhinh, thôn Hoàng Thịnh cũng mua một thửa đất diện tích 387m2 năm 2007 ở thôn Phú Bình. Biên lai thu tiền ngày 26-1-2007 có dấu đỏ của UBND xã Đông Phú thể hiện nội dung “nộp tiền mua đất ở thừa khu vực P.Bật” với số tiền 9 triệu đồng. Đến ngày 5-2-2007, đại diện UBND xã đã tiến hành bàn giao đất ở trên thực địa cho chủ hộ để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở nhưng tiêu đề biên bản lại ghi là “Biên bản cho thuê đất”. Thửa đất này, ông Nhinh đã bán lại cho một hộ dân ở xã khác.
Bà Lê Thị Hà, thôn Phú Bình tỏ ra bức xúc khi kể về trường hợp của gia đình mình: Năm 2001, gia đình bà có mua 300m2 của xã để làm đất ở, trong đó có 200m2 đất ở, 100m2 đất trồng cây lâu năm. Thời điểm đó, vì chưa có điều kiện về kinh tế nên bà phải nộp tiền đất làm 2 lần và phải đến năm 2008 bà mới nộp xong tiền đất với tổng số tiền đã nộp là 16 triệu đồng. Bà đã gửi các giấy tờ nhờ cán bộ xã làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, nhưng đến nay, giấy tờ thất lạc, cán bộ người thì đã mất, người thì chuyển công tác đi xã khác nên bà hoang mang không biết đến bao giờ thửa đất đó mới được Nhà nước cấp GCNQSDĐ mặc dù gia đình bà đã làm nhà và sinh sống ổn định trên đất từ lâu.
Kiểm tra, làm rõ để có hướng xử lý
“Các trường hợp cho thuê đất canh tác lâu dài hay trồng cây lâu năm nhưng trong phiếu thu lại đề là đất ở hoặc bàn giao là đất ở nhưng giấy tờ lại ghi là đất khoán thầu, thậm chí có những trường hợp cá biệt là tự ý lấn chiếm đất... Đây là những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất xảy ra từ nhiều năm trước tại xã Đông Phú” – đó là lời của ông Lê Duy Vinh, Chủ tịch UBND xã Đông Phú nói với phóng viên khi đề cập đến những vụ việc tồn đọng về đất đai trên địa bàn xã.
Ông Vinh cho biết, ông về làm việc tại UBND xã Đông Phú từ năm 2016 và mới nhận chức chủ tịch UBND xã năm 2020. Khi nhận nhiệm vụ mới, nắm bắt được tình hình tồn đọng đất đai ở Đông Phú, ông đã yêu cầu công chức địa chính xã thông báo cho tất cả các hộ dân có đất ở mua bán dưới các dạng khác nhau chưa làm GCNQSDĐ thì mang hồ sơ, giấy tờ có liên quan về UBND xã để thống kê và báo cáo với UBND huyện hướng giải quyết. Qua rà soát bước đầu, có khoảng hơn 40 hộ dân có tồn đọng về đất đai do đất bán trái thẩm quyền. Từ cuối năm 2020 đến nay, số hộ đến UBND xã phản ánh về các trường hợp tương tự ngày càng tăng thêm.
“Các trường hợp tồn đọng về đất đai ở Đông Phú ở nhiều dạng rất khác nhau, nhất là đối với các trường hợp đất bán trái thẩm quyền. Đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã không chứng minh được việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước mà chỉ có những giấy tờ không hợp lệ nên cơ quan có thẩm quyền rất khó để giải quyết” - ông Nguyễn Huy Đức, công chức địa chính xã Đông Phú cho biết thêm. Được biết, công chức địa chính xã Đông Phú mới chuyển về đây công tác được vài năm.
Khi hỏi về hướng giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng về đất đai trên địa bàn, ông Lê Duy Vinh, Chủ tịch UBND xã Đông Phú nhấn mạnh: Xã đã báo cáo về UBND huyện để huyện nắm bắt và có hướng chỉ đạo giải quyết. Theo kế hoạch, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về công tác quản lý đất đai tại các xã trên địa bàn huyện, trong đó có xã Đông Phú. Trong thời điểm này, quan điểm của UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất tồn đọng bình tĩnh để chờ đợi chỉ đạo cụ thể từ UBND huyện Đông Sơn.
Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, sự tắc trách trong cách làm việc của một số cán bộ xã thời kỳ trước đã để lại những hệ lụy đáng buồn trong công tác quản lý, sử dụng đất tại xã Đông Phú, gây bức xúc trong dư luận địa phương. Đã đến lúc chính quyền huyện Đông Sơn, xã Đông Phú cần có những cách thức giải quyết, trả lời cụ thể đối với các trường hợp bán đất trái thẩm quyền tại xã Đông Phú, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân. Có như vậy mới có thể ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tránh tình trạng đơn, thư khiếu kiện kéo dài.