Nhiều sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam bị EU cảnh báo
Các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm thay đổi liên tục, có những quy định đã được sửa đổi bổ sung 112 lần. Vì thế, doanh nghiệp có nguy cơ bị EU 'từ chối cho nhập khẩu' là rất cao. Trong gần hai tháng đầu năm 2025, EU đã gửi 16 cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Theo Văn phòng SPS, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nhiều loại nông sản đặc thù mà EU không có như thanh long, xoài, chanh leo, vải, nhãn. Ảnh: Thành Thật.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU do Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 24-2, theo TTXVN.
Theo đó, trong gần hai tháng đầu năm 2025, EU đã gửi 16 cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm hạt điều, tôm chế biến, nước giải khát, hạt é khô và thịt ốc bươu. Nguyên nhân chính dẫn đến các cảnh báo này là do vi phạm các quy định của EU, dẫn đến việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm.
Một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ "thực phẩm mới" theo quy định của EU.
Ngoài ra, có trường hợp khai báo không trung thực về nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng. Một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, dẫn đến việc EU buộc phải thu hồi ngay lập tức. Hơn nữa, nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm các quy định an toàn sinh học của EU.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hai nội dung về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" đang là vấn đề đang khiến doanh nghiệp lúng túng. Trong số tám cảnh báo về thực phẩm mới trong hai tháng đầu năm 2025 của EU, đáng chú ý có bốn cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các quy định của EU sẽ được thay đổi liên tục. Cụ thể, Quy định (EU) 2020/2235 về mẫu giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung 15 lần; Quy định EU 2017/625 về kiểm soát chính thức cụ thể đối với một số loại động vật, hàng hóa đã bị thay thế bởi Quy định 2022/2292 (ngày 6-9-2022) và đến nay sửa đổi hai lần; Quy định 2021/404 về kiểm dịch thú y, sửa đổi bổ sung 112 lần.
“Các doanh nghiệp cần cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên, Liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về các thay đổi,” bà Huyền nói.
Phân tích chi tiết hơn về việc xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU, ông Nam cho biết, EU không quy định về khối lượng hàng khi kiểm tra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm.
Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp mắc sơ suất thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI thì đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách nên nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, xu hướng tiêu dùng xanh, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận chắc chắn đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nhiều loại nông sản đặc thù mà EU không có như thanh long, xoài, chanh leo, vải, nhãn. Đây được coi là lợi thế rất lớn của nông sản Việt Nam tại thị trường này.