Nhiều sản phẩm OCOP gặp khó khi lên sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử là kênh tiêu thụ hiệu quả cho các chủ thể OCOP vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn không ít hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm OCOP gặp khó khăn khi tiếp cận kênh tiêu thụ mới này.
Khó khăn khi “lên sàn”
Sở hữu sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt chứng nhận OCOP 3 sao, Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam đã tiếp cận các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.
Tuy nhiên, Giám đốc Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam Nguyễn Thị Bích Thảo phản ánh, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không hề dễ dàng bởi quy trình kiểm soát sản phẩm chưa rõ nên hàng thật hàng giả lẫn lộn khó lựa chọn đối tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự thay đổi thuật toán của các nền tảng cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bởi nhân sự chưa được đào tạo một cách bài bản về tin học.
Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam không phải trường hợp đầu tiên gặp khó khăn khi đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh Phạm Văn Thịnh than thở, mặc dù sản phẩm cá sông Đà của doanh nghiệp đã hiện diện tại một số siêu thị như Go!Big C, Vinmart, Lottemart… và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lại hoàn toàn không dễ dàng.
“Khó khăn rõ nhất là quá trình vận chuyển, bảo quản thủy sản đến tay người tiêu dùng … không thể sử dụng dịch vụ bưu chính của sàn giao dịch PostMart.vn. Trong khi đây một vấn đề quan trọng với những đơn vị sản xuất thủy sản tươi sống”-ông Thịnh nêu ví dụ.
Thực tế cho thấy, mặc dù việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP giữ thói quen bán hàng theo phương thức truyền thống. Với họ, sàn thương mại điện tử còn khá mới, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều nên sau khi đưa sản phẩm lên sàn nhưng lượng tương tác với khách hàng còn hạn chế dẫn đến số lượng đơn hàng chưa phát triển như mong đợi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ nên chưa có nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa quản trị nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng, giá bán cũng không theo kịp với biến động của thị trường... Đáng lưu ý, chi phí quản lý bán hàng quá cao, từ 25 - 45% cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ
Thông tin từ các sàn thương mại điện tử cho thấy, để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, ngoài Alibaba yêu cầu chủ các gian hàng phải nộp chi phí khoảng 10.000.000 đồng/tháng, hầu hết các sàn thương mại điện tử Việt Nam đều miễn phí việc đăng bán hàng.
Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí vận chuyển, các sàn này chỉ thu phần trăm trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công hoặc thu phí duy trì nhưng chi phí không quá cao. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu các chủ thể OCOP không làm bài bản, đầu tư công phu về nội dung, phù hợp với người dùng thì rất khó tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử trong việc bán hàng.
Để tận dụng những lợi ích mà sàn thương mại điện tử mang lại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, cơ quan quản lý cần hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực.
“Doanh nghiệp sản xuất cần được chỉ dẫn về cách thức thu hút khách hàng, marketing và bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử. Cũng như cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xây dựng trải nghiệm khách hàng tốt nhất trên sàn thương mại điện tử”- ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh thông tin, đơn vị đang hợp tác chặt chẽ với đối tác Shopee, Voso, Tiki, Lazada để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.
Cụ thể tổ chức các chương trình đào tạo mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử được tổ chức một cách bài bản. “Với việc nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, chủ thể OCOP mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng thương mại điện tử của riêng mình một cách hiệu quả”- bà Lại Việt Anh khẳng định.
Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), tương tác trực tiếp (livestream).
Tích cực chung tay hỗ trợ chủ thể OCOP, người nông dân đưa sản phẩm“lên sàn”, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã hỗ trợ, đào tạo kỹ năng kinh doanh số cho khoảng 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Hiện đã có 52.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.
“Thời gian tới, sàn Postmart sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, OCOP vùng sâu vùng xa; triển khai các chương trình marketing quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên sàn. Đặc biệt là phối hợp với nhiều tổ chức khác đào tạo kỹ năng livestream, kỹ năng kinh doanh số, giúp bà con nhận thức rõ hơn về vai trò của các sàn thương mại điện tử” - Phó Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Thị Lan Hương chia sẻ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-san-pham-ocop-gap-kho-khi-len-san-thuong-mai-dien-tu.html