Nhiều sáng kiến xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Tại buổi tọa đàm 'Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị' do Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng phối hợp với Hội Cựu Chiến binh quận tổ chức đã thu được nhiều ý kiến, sáng kiến tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn quận, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chiều 20/5, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng phối hợp với Hội Cựu Chiến binh quận tọa đàm “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.

Ông Nguyễn Như Cẩn - Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng cho biết, qua 4 năm thực hiện, Ban Chỉ đạo Chuyên đề: "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2016 - 2020" luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của quận và18 phường nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Chuyên đề.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị

Toàn cảnh buổi Tọa đàm xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị

Theo đó, 100% các tổ dân phố đã tổ chức Hội nghị tọa đàm về nâng cao hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng, thu hút đông đảo cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn tham dự. 18 phường trên địa bàn quận đều được hướng dẫn và triển khai tổ chức tốt các mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Nhờ đó, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã thu được kết quả đáng khích lệ. Văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi. Trên địa bàn quận, không có các vụ bạo hành gia đình, tỷ lệ các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và giữa bà con khu phố đã giảm đáng kể.

Văn hóa ứng xử giao tiếp trong cộng đồng trở nên văn minh, gần gũi. Người dân quận Hai Bà Trưng đã nâng cao nhận thức, ý thức và tự giác hành động để xây dựng và phát huy nếp sống văn minh thanh lịch của người Thủ đô.

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, đã thu được nhiều ý kiến, sáng kiến tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn quận, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Về thực hiện quy tắc ứng xử, ông Phạm Tiến Hải - Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Phố Huế, đã tập trung thảo luận về việc thực hiện quy tắc ứng xử nói chung và các quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nơi công cộng trên địa bàn thành phố và các giải pháp để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tương tự, ông Lê Văn Hưu - Cựu Chiến binh phường Thanh Nhàn, cũng đề cập đến văn hóa của mỗi người đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, công viên. Đặc biệt, ý kiến của ông Hưu cũng đã đưa ra những dẫn chứng sinh động của người trực tiếp làm công tác tại địa bàn dân cư, tổ dân phố, cách làm hay thông qua chương trình tọa đàm tại địa bàn phường và 5 giải pháp cần khắc phục tại địa bàn phường Thanh Nhàn.

Với nhóm ý kiến về văn hóa giao thông, một cựu chiến binh phường Đồng Tâm đã đưa ra một số biện pháp giáo dục cho thế hệ trẻ về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Việc giáo dục cho thế hệ trẻ có ý thức tốt trong đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị và bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Cũng liên quan đến văn hóa giao thông, có ý kiến cho rằng cần xây dựng các mô hình, các tổ đội tham gia tuyên truyền văn hóa giao thông phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Trước hết mỗi cá nhân hội viên cần tập trung làm tốt việc giáo dục cho gia đình mình, con em mình nâng cao ý thức và văn hóa giao thông từ đó lan tỏa ra công đồng dân cư.

Các tổ đội cần tập trung vào đoạn đường, khu phố Cựu Chiến binh tự quản để nâng cao văn hóa giao thông trong nhân dân. Đồng thời phối hợp với các nhà trường trên địa bàn để giáo dục nâng cao văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên.

Nhìn chung, các ý kiến đều rất tâm huyết, góp phần nói lên quan điểm của các cụ, các bác, các đồng chí, những người trực tiếp tham gia các hoạt động phong trào tại cơ sở trong việc mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, đưa những nét đẹp đó vào cuộc sống hiện đại, phát huy trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngày nay.

"Các giải pháp được đưa ra trong Tọa đàm ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp để tiếp tục định hướng các nội dung, tuyên truyền, vận động có hiệu quả tới toàn thể người dân, hộ gia đình trên địa bàn quận trong thời gian tới" - Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Như Cẩn cho hay.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-sang-kien-xay-dung-nep-song-van-hoa-van-minh-do-thi-108484.html