Nhiều sinh viên chật vật tiết kiệm dành tiền đổ xăng

Giá xăng tăng cao, một số sinh viên phải cắt giảm chi tiêu, thay đổi thói quen sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống.

Trước đây vài tuần, Ngô Phương Nam, sinh viên năm thứ ba, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thường đổ đầy bình xăng xe máy với chi phí là 80.000 đồng. Tuy nhiên, hiện tại, nam sinh viên phải chi hơn 120.000 đồng để đổ đầy bình.

Lo sợ sẽ trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình, Nam không xin thêm tiền sinh hoạt phí mà lựa chọn giảm tần suất về quê và nhịn ăn sáng, hoặc thay thế bữa sáng từ bánh mì sang mì tôm. Đối với Nam, khi xăng tăng giá, sinh viên rất khó khăn để tiết kiệm tiền tiền sinh hoạt phí.

"Nhiều lúc nhớ nhà, muốn trở về quê thăm gia đình tôi cũng phải suy nghĩ đến tiền xăng xe. Trước đây, mỗi tháng tôi sẽ về nhà từ 2 đến 3 lần, còn hiện tại thì chỉ dám về một lần. Đôi khi tôi còn mong được học trực tuyến để tiết kiệm xăng", Nam nói.

 Xăng tăng giá gây khó khăn cho sinh viên. Ảnh: Lê Quân.

Xăng tăng giá gây khó khăn cho sinh viên. Ảnh: Lê Quân.

Hạn chế tụ tập, di chuyển

Việc giá xăng liên tục tăng và lập đỉnh đã khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn trong chi tiêu, đặc biệt là những người phải thuê trọ. Họ chưa đi làm và còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình nên khi xăng tăng giá phải tiết kiệm chi phí sinh hoạt rất nhiều.

Phương Nam cho biết ngoài thời gian học tập tại trường, nam sinh viên còn thường đi chụp ảnh dạo để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện tại, Nam đã tạm ngưng công việc này để hạn chế di chuyển.

Bên cạnh đó, nam sinh viên cũng từ bỏ thói quen tụ tập, vui chơi với bạn bè vào các buổi cuối tuần. Nếu giá xăng tiếp tục tăng cao, Phương Nam dự định đi bộ đến trạm xe buýt ở khá xa nhà trọ và di chuyển bằng phương tiện này để đi học.

Cùng cảnh ngộ với Nam, mỗi ngày Phan Thanh Trúc, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đều phải di chuyển trên quãng đường vừa đi, vừa về là 64 km. Cứ cách 2 ngày, nữ sinh viên lại đổ xăng một lần. Mỗi lần đổ xăng, Trúc thường tốn khoảng 50.000-70.000 đồng. Nếu tính theo mức giá hiện hành, chi phí đi học bằng xe máy của Trúc sẽ chiếm khoảng 500.000-600.000 đồng/tháng.

Giá xăng tăng, nữ sinh viên đã phải thay đổi thói quen chi tiêu và sinh hoạt của bản thân. Mỗi ngày, sau khi tan học, Trúc sẽ về nhà ngay và không còn tụ tập cùng bạn bè như trước. Nữ sinh viên cũng cắt giảm chi phí cho việc ăn vặt hàng ngày và tiết kiệm tiền điện, nước để bù vào tiền xăng xe máy.

"Vì là sinh viên nên tôi cũng cần cân nhắc rất nhiều về vấn đề chi tiêu, đặc biệt là trong lúc xăng đang tăng giá mạnh như thế này. Tôi hy vọng trong thời gian tới giá xăng sẽ giảm để có thể bớt trăn trở về việc đi lại và thoải mái học tập hơn", Thanh Trúc nói.

Tiền đi lại chiếm phần lớn trong chi phí sinh hoạt

Là sinh viên năm thứ nhất, trở lại thành phố học tập trực tiếp, Lê Nguyên Ngọc đã phải tiết kiệm chi tiêu để bù vào tiền đổ xăng. Nhà trọ của nữ sinh viên ở quận 12, cách trường học 36 km nên Ngọc thường tốn 200.000 đồng mỗi lần đổ xăng.

Mức sinh hoạt phí hàng tuần của Ngọc thường là 500.000 đồng. Sau mỗi lần đổ xăng, nữ sinh viên không còn dư nhiều tiền để chi trả cho các chi phí sinh hoạt khác. Chia sẻ với Zing, Ngọc cho biết đã cắt giảm tiền mua sắm quần áo, giày dép để có thêm chi phí đổ xăng.

Hiện tại, mỗi khi muốn di chuyển đi đâu, Lê Thị Ngọc Mai, sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM lại băn khoăn suy nghĩ. Số tiền được gia đình chu cấp hạn chế nên Mai phải làm thêm để có nguồn thu riêng.

"Xăng tăng giá, vé xe đò di chuyển về quê Bình Phước của tôi cũng tăng theo, từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/vé. Vì vậy, tôi đã hạn chế đi lại để tiết kiệm. Ngoài ra, tôi cũng dừng các cuộc gặp gỡ bạn bè và cắt giảm việc mua sắm những thứ không cần thiết", Mai nói.

Không biết đi xe máy, nhà trọ lại cách xa trạm xe buýt, nên Nguyễn Thị Lan, sinh viên năm thứ 2 ở một trường đại học tại TP.HCM đã phải lựa chọn di chuyển bằng xe ôm công nghệ.

Năm trước, nữ sinh viên thường tốn khoảng 10.000-15.000 đồng cho chi phí đi học với quãng đường hơn 3 km. Tuy nhiên hiện tại, mỗi lần đặt xe, mức phí đã tăng lên gần 30.000 đồng. Nếu tan học vào giờ cao điểm, Lan phải trả phí di chuyển đến 50.000 đồng.

Mỗi tuần, việc đặt xe đi học đã tốn gần hết số tiền sinh hoạt phí mà nữ sinh viên được gia đình chu cấp. Mong muốn lớn nhất của Lan là giá xăng giảm để dịch vụ xe công nghệ "hạ nhiệt".

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-sinh-vien-chat-vat-tiet-kiem-danh-tien-do-xang-post1301583.html