Bộ Xây dựng thúc tiến độ rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền cho địa phương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền theo hướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chính quyền địa phương được phân cấp, phân quyền triệt để trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thực hiện đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Bộ Xây dựng các đơn vị trực thuộc rà soát chi tiết, đề xuất phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực xây dựng, giao thông (Ảnh minh họa).

Bộ Xây dựng các đơn vị trực thuộc rà soát chi tiết, đề xuất phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực xây dựng, giao thông (Ảnh minh họa).

Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát tổng thể các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư do cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, tham mưu trình, hoàn thành trước ngày 19/5.

Trong đó, thống kê cụ thể số lượng, chi tiết nội dung các nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ; Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện đang được quy định tại điều, khoản, điểm cụ thể của văn bản pháp luật hiện hành.

Cùng đó là số lượng, chi tiết nội dung các quy định, thủ tục, quy trình địa phương phải báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành về các dự án, nhiệm vụ cụ thể đã được phân cấp, phân quyền đang được quy định tại điều, khoản, điểm cụ thể của văn bản pháp luật hiện hành.

Các đơn vị cũng được yêu cầu trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê, thực hiện đề xuất phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong đó, 4 nội dung cần xác định rõ, gồm: Số lượng, chi tiết các nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương.

Số lượng, chi tiết các nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương.

Số lượng, chi tiết các nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ) phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Số lượng, chi tiết các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện chuyển HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã; nhiệm vụ chuyển lên HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

"Các cơ quan, đơn vị giải trình rõ lý do, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn đối với: các nhiệm vụ, thẩm quyền không đề xuất thực hiện phân cấp, phân quyền; các nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện chuyển lên chính quyền địa phương cấp tỉnh", công điện nêu rõ.

Cùng mốc thời gian 19/5, các đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất cụ thể nội dung bổ sung vào dự thảo các Nghị định, Thông tư về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực xây dựng, giao thông mà Bộ đang soạn thảo. Trường hợp lĩnh vực đặc thù, chuyên sâu, các cơ quan, đơn vị có thể đề xuất xây dựng nghị định riêng để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành được giao, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu trước ngày 23/5, các đơn vị rà soát, tham mưu Bộ ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh trên lĩnh vực quản lý của mình khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Đặc biệt là xử lý những nội dung, nhiệm vụ cần chuyển tiếp khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động liên tục, không gián đoạn, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

N.Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/bo-xay-dung-thuc-tien-do-ra-soat-de-xuat-phan-cap-phan-quyen-cho-dia-phuong-192250518113502576.htm