Nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý
Sáng 28/11, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã có những góp ý về dự thảo luật đấu giá tài sản sửa đổi.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn. Bởi theo quy định như dự thảo Luật thì có thể được hiểu là tất cả các tài sản được liệt kê tại Khoản 1 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá và chịu sự điều chỉnh của Luật này. Trong khi thực tế có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá…
Bên cạnh đó, ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán hoặc chuyển nhượng cho bên khác…Vì vậy, nếu hiểu theo cách bắt buộc chung như dự thảo Luật là không hợp lý...
Tại Điểm b khoản 9 dự thảo Luật quy định: Đối với tài sản đấu giá là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phả niệm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường họp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi cư trú của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là cá nhân, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, trên thực tế việc các tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức bán đấu giá là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do đó, nếu dự thảo Luật chỉ quy định niêm yết ở trụ sở mà không niêm yết ở chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin của người có nhu cầu mua tài sản.
Để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi: “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức” thành “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản…”.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!