Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất nhiều chính sách mới cho giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT soạn thảo, đề xuất giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên (GV) cục bộ diễn ra nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Giao quyền chủ động trong tuyển dụng

Dự thảo Luật Nhà giáo có điểm mới được nhiều người quan tâm, đó là đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Thiếu GV là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vì thế, việc giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục để kịp thời tuyển dụng, khắc phục tình trạng thiếu GV. Cụ thể, tại Điều 16, mục 2 của dự thảo quy định thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo: Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền.

Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

Cô và trò Trường THPT Chuyên Lê Khiết trong giờ thực hành. Ảnh: DUY HÙNG

Cô và trò Trường THPT Chuyên Lê Khiết trong giờ thực hành. Ảnh: DUY HÙNG

Theo một trưởng phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, lâu nay, ngành giáo dục chỉ có quyền trong quản lý về chuyên môn của giáo dục, còn ngành nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục và ngành tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục. Điều đó có nghĩa, ngành giáo dục có trọng trách trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, nhưng lại không có quyền trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện, đó là con người và tài chính. Vì vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đưa nội dung giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng và quản lý nhà giáo là phù hợp.

Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và triển khai theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Tại Quảng Ngãi, GV bình quân trên lớp chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, nhất là các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh, Tin học và Công nghệ, gây khó khăn trong lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo. Theo kế hoạch, ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hằng năm, tỉnh đều tổ chức tuyển dụng GV để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, trường học. Tuy nhiên, trên thực tế, năm học mới bắt đầu từ tháng 9 nhưng đến khi kết thúc học kỳ I mới hoàn thành việc tuyển dụng và phân bổ biên chế về các trường.

Để đảm bảo hoạt động dạy và học, các trường phải hợp đồng GV hoặc thực hiện nhiều giải pháp tạm thời như luân chuyển, điều động GV... Nhưng tuyển dụng xong lại thiếu GV vì nhiều lý do, phải chờ đến đợt tuyển dụng năm sau. Vì thế, bài toán thiếu GV và thừa, thiếu GV cục bộ vẫn tiếp diễn. Đây cũng là thực trạng chung của ngành giáo dục cả nước.

Theo các nhà quản lý giáo dục, việc giao quyền chủ động trong tuyển dụng GV sẽ thuận lợi trong việc tuyển dụng được thường xuyên, đáp ứng nhu cầu khi xảy ra tình trạng thiếu GV trong quá trình tổ chức triển khai; tuyển dụng đủ, hết chỉ tiêu, biên chế; khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo.

Xác định vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập

Toàn tỉnh có trên 19 nghìn cán bộ quản lý, GV, nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Trong đó, có trên 1.000 cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngoài công lập. Nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, thì đây là lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động. Bởi đối tượng, phạm vi áp dụng của dự thảo Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên cả nước được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, chính sách tiền lương và đãi ngộ; chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo... cũng là những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.

DUY KHANG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/giao-duc/202411/du-thao-luat-nha-giao-de-xuat-nhieu-chinh-sach-moi-cho-giao-vien-8851570/