Nhiều tài xế xe công nghệ tắt app vì 'càng chạy càng lỗ'
Nối gót theo Grab, hãng xe công nghệ Gojek đã chính thức điều chỉnh giá cước một số dịch vụ tăng từ ngày 14-3.
Thông tin từ hãng xe công nghệ Gojek, kể từ 0 giờ ngày 14-3, hãng này đã chính thức áp dụng mức giá cước mới đối với các dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn).
Cụ thể tại khu vực Hà Nội, giá cước GoRide 2 km đầu 13.000 đồng; từ 2-4 km, trước đây 4.400 đồng/km, nay tăng lên 5.100-6.000 đồng; trên 4 km từ 4.500 đồng/km nay tăng lên 4.700-5.500 đồng. Giá cước GoFood từ 3 km trở xuống là 16.000 đồng, tăng 1.000 đồng, trên 3 km là 5.000 đồng/km.
Tại khu vực TP HCM, giá cước GoRide cho 2 km đầu từ 11.000-13.000 đồng; từ 2-8 km là 5.200-5.600 đồng/km, tăng từ 500-900 đồng. GoFood 2 km đầu có giá mới là 16.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước.
Giá cước dịch vụ GoCar (vận chuyển hành khách bằng ôtô) và GoSend (giao hàng) không thay đổi trong đợt điều chỉnh này. Theo hãng xe này, giá cước của Gojek được tính toán trên cơ sở mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời bảo đảm cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra.
Theo đại diện Gojek, hãng xe này sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến của thị trường và có các phương án cân chỉnh để đưa ra giá cước hợp lý và mang tính cạnh tranh. Hãng cũng đang hỗ trợ chi phí xăng dầu cho đối tác tài xế có hiệu suất tốt. Ngoài ra, Gojek còn có chương trình GoCaptain với nhiều gói phúc lợi khác liên quan đến bảo hiểm sức khỏe, hỗ trợ vay tiêu dùng tài chính và mua xe máy trả góp, chương trình tặng phụ kiện theo xếp hạng của đối tác tài xế.
Trước đó, hãng xe công nghệ Grab đã điều chỉnh giá cước hầu hết các loại dịch vụ của hãng theo hướng tăng từ vài trăm đồng cho đến vài ngàn đồng, áp dụng từ ngày 10-3. Lý do được hãng này đưa ra là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá cước này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Trong khi đó, đại diện ứng dụng Be cho biết hãng không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ để góp phần chung tay vào công tác bình ổn giá sau đại dịch và hỗ trợ các khách hàng. Thay vào đó, Be quyết định giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai kể từ ngày 17-3, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập (lên đến 2 triệu đồng/tuần) cho các tài xế của Be nói chung.
Dù các hãng đã tăng giá cước hoặc giảm tỉ lệ chiết khấu trong bối cảnh giá xăng dầu lên quá cao nhưng giới tài xế xe công nghệ vẫn phàn nàn về việc càng chạy càng lỗ, thậm chí nhiều người đã quyết định tắt app nghỉ chạy một thời gian chờ giá xăng dầu giảm trở lại. Bởi, tài xế sau khi trừ chi phí xăng dầu, hao mòn và tỉ lệ chiết khấu cho hãng, thu nhập của họ không còn bao nhiêu, thậm chí có người còn lỗ.
Ông Lê Minh Hướng, ở quận 8, chạy xe Grabcar, cho biết cho dù hãng đã tăng giá cước nhưng cũng không thể bù đắp được chi phí xăng dầu. Do đó, từ đầu tuần này, ông đã quyết định tạm nghỉ ở nhà phụ vợ buôn bán ở chợ.
Tương tự, tài xế Ngô Văn Thuận, quê ở Vĩnh Long lên TP HCM chạy xe ôm công nghệ cho Gojek, cho biết trước đây ông đổ xăng 90.000 đồng chạy cả ngày, nay phải bỏ tiền ra 130.000 đồng mà chạy chẳng được bao nhiêu cuốc. Vì miếng cơm manh áo nên ông sẽ cố gắng cầm cự thêm một thời gian nữa, nếu giá xăng không giảm sẽ tìm nghề khác mưu sinh.