Nhiều tàu cá nằm bờ vì giấy phép khai thác mới
Ngay sau khi nhận được giấy khai thác thủy sản cấp mới vào đầu tháng 5/2024, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào cảnh giấy phép quy định không đúng với vùng khai thác ngành nghề của họ, khiến hàng loạt tàu cá phải nằm bờ.
Ông Lê Công Hùng, ngụ phường 11, thành Vũng Tàu có một tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm dài gần 19m, công suất 350CV. Ông là thành viên của Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng, thành phố Vũng Tàu được hơn 8 năm nay. Đây là nghề cha truyền con nối, ông Hùng đã hành nghề này gần 30 năm.
Ông Hùng chia sẻ, nếu như giấy phép khai thác cũ của tàu là “Khai thác cá cơm tuyến bờ Bà Rịa-Vũng Tàu và ngoài khơi biển Việt Nam” thì nay giấy phép khai thác mới được Chi cục Thủy sản tỉnh cấp cho tàu của tôi (tàu trên 15m) ghi là nghề chính Lưới vây cá cơm, nhưng vùng khai thác là Vùng khơi biển Việt Nam". Theo ông Hùng, do Luật Thủy sản năm 2017 thay đổi cách tính quy cách tàu cá, trước đây tính theo công suất máy nay chuyển sang chiều dài tàu nên tàu cá của ông phải cấp giấy phép khai thác ở vùng khơi.
Ông Hùng chia sẻ, với quy định của giấy phép khai thác mới này khiến ngư dân đang vấp phải khó khăn khi ngành nghề khai thác và vùng khai thác đối nghịch nhau. Vì đặc điểm của cá cơm chỉ sinh sống trong khu vực ven bờ và đánh bắt theo mùa, trong vòng đời 2 năm con cá sẽ tự chết không thể lớn hơn được như các loài hải sản khác, còn ngoài vùng lộng và vùng khơi không có cá cơm.
Trong khi đó, theo Nghị định 38/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, quy định mức phạt vi phạm tàu cá đánh bắt sai vùng từ 15-20 triệu đồng với tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m; từ 20-30 triệu đồng với tàu từ 15-24m và phạt từ 30-40 triệu đồng với tàu cá có chiều dài hơn 24m; tình trạng tái phạm có thể bị rút giấy phép khai thác.
"Chính vì thế, cảng cá hiện không cho tàu cá xuất bến khi họ kiểm tra hệ thống giám sát hành trình thấy giấy phép là đánh vùng khơi mà tàu cá của lại chỉ có thể đánh bắt cá cơm vùng ven bờ. Với quy định mới này khiến chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn, nguy cơ phải bỏ tàu, bỏ nghề", ông Hùng lo lắng chia sẻ.
Ông Trần Đức Hồi, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng, thành phố Vũng Tàu cho hay, nghiệp đoàn hiện có 30 thành viên với hơn 30 tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm, tổng số lao động khoảng 450 người. Các tàu cá này đều có chiều dài trên 15m nên giấy phép mới được cấp lại trong tháng 5/2024 đều là giấy phép hành nghề lưới vây cá cơm đánh bắt ở vùng khơi biển Việt Nam.
Theo ông Trần Đức Hồi, 30 tàu cá này không thể hoạt động tiếp với giấy phép mới được cấp và chỉ có thể nằm bờ. "Nếu không đi biển thì ngư dân sẽ bị ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm lao động. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho phù hợp ngành nghề hoạt động và vùng đánh bắt như nghề đánh cá cơm của tàu chúng tôi”, ông Trần Đức Hồi kiến nghị.
Không chỉ nghề cá cơm, các nghề khác như nghề lưới ghẹ, bạch tuộc, ốc các loại ở vùng lộng cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Tý, ngụ xã Lộc An, huyện Đất Đỏ có 1 tàu cá dài 16m, hành nghề bẫy bạch tuộc bằng vỏ ốc. Khu vực đánh bắt trước đây theo quy định của giấy phép cũ tàu cá của ông Tý hoạt động vùng lộng và chỉ vùng lộng tàu cá mới có thể hành nghề bẫy bạch tuộc bằng các loại vỏ ốc được. Tuy nhiên, do tàu của ông Tý có chiều dài trên 15m nên giấy phép mới được cấp là hoạt động vùng khơi.
“Đây là nghề rất thân thiện với môi trường bởi nghề này phương pháp chủ yếu là dẫn dụ bạch tuộc chui vào các vỏ ốc giác, không dùng bất cứ hóa chất hay tác động ngoại lực nào. Bạch tuộc chủ yếu sống ở vùng lộng, vùng khơi không có. Với quy định trong giấy phép mới chúng tôi không thể ra khơi đánh bắt vì không phù hợp ngư trường”, ông Tý chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi có giấy phép khai thác thủy sản mới, tỉnh cũng đã nhận được nhiều phản ánh của bà con ngư dân có tàu cá trên 15m, công suất 300-400CV trước đây họ hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng về bất cập trong giấy phép khai thác mới, khiến bà con trở tay không kịp.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay tàu trên 15m phải khai thác vùng khơi. Nếu bà con ngư dân khai thác không thực hiện đúng theo quy định sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, vi phạm nhiều lần sẽ bị tước giấy phép. Nguồn lợi hải sản ở từng vùng biển hiện nay là có hạn và đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Do đó, Nhà nước đưa ra các quy định vùng đánh bắt hải sản để quản lý, từ đó bảo đảm việc khai thác có hiệu quả và phát triển thủy sản bền vững.
Các đối tượng khai thác như cá cơm, ốc hương, bạch tuộc, mực... chỉ phân bố ở vùng biển nhất định và các nghề này không nhất thiết phải vận hành bởi các tàu có kích thước lớn hơn 15m. Vì vậy, các tàu có chiều dài hơn 15m có thể đánh bắt các nghề khác phù hợp với quy định ở vùng khơi, không vào vùng lộng và ven bờ.
“Đây là quy định của pháp luật nên trước mắt bà con ngư dân thực hiện cho đúng. Để tháo gỡ những khó khăn, chúng tôi sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sửa đổi Quyết định 25/2019/QĐ-UBND Ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc ban hành quy định tiêu chí đặc thù; quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển; quy định về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trong nội địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để bà con ngư dân có nguyện vọng cải hoán tàu cá để đánh bắt phù hợp theo vùng khai thác, như vậy sẽ đúng với quy định pháp luật”, ông Lê Tòng Văn nói.