Nhiều thách thức của AI trong thời đại mới

Khi AI trở nên dễ tiếp cận hơn, ngày càng có nhiều người dùng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng AI thông qua các công cụ phổ thông… thì tin tặc đồng thời có thể tự động hóa các cuộc tấn công, đẩy nhanh quy trình vận hành, triển khai nhiều chiến dịch phức tạp hơn để đạt được mục đích phi pháp.

Kaspersky công bố những kiểu tấn công mạng bằng AI

Kaspersky công bố những kiểu tấn công mạng bằng AI

Sau đây là những hình thức tấn công mà Kaspersky đã quan sát được: ChatGPT có thể được sử dụng để phát triển các phần mềm độc hại và tự động triển khai các cuộc tấn công đến nhiều nạn nhân; Chương trình AI xâm nhập dữ liệu của người dùng trên điện thoại thông minh và qua quá trình phân tích dữ liệu nhạy cảm, kẻ xấu hoàn toàn có thể “đọc trộm" tin nhắn, mật khẩu và mã ngân hàng của nạn nhân; Thuật toán tối ưu bầy đàn (Swarm intelligence) giúp các mạng lưới máy tính tự động (bonet) khôi phục những mạng lưới độc hại đã bị giải pháp an ninh loại trừ.

Nghiên cứu của Kaspersky về việc sử dụng AI để bẻ khóa mật khẩu chỉ ra rằng, hầu hết các mật khẩu đều được mã hóa thông qua các thuật toán hàm băm như MD5 và SHA. Theo đó, chỉ cần một thao tác đơn giản là có thể biến đổi mật khẩu thành một dòng văn bản mã hóa, nhưng đảo ngược cả quy trình lại là một thử thách lớn.

Thông qua AI, kẻ xấu có thể khai thác các nội dung lừa đảo, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh và video để triển khai tấn công phi kỹ thuật. Những mô hình ngôn ngữ lớn (large language model) như ChatGPT-4o được tận dụng để tạo ra kịch bản và tin nhắn lừa đảo vô cùng tinh vi. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, AI có thể viết ra một email chân thật, chỉ cần dựa vào thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí, AI có thể bắt chước văn phong của nạn nhân. Điều này càng khiến hành vi lừa đảo khó phát hiện hơn.

Song song đó, Deepfake hiện hữu như một “vấn nạn” trong an ninh mạng, dù trước đó được xem là sản phẩm nghiên cứu khoa học. Mạo danh người nổi tiếng để trục lợi tài chính là cách thức phổ biến nhất, tiếp đến, kẻ lừa đảo còn sử dụng Deepfake để đánh cắp tài khoản, gọi điện mạo danh tới bạn bè và người thân của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh lợi dụng công nghệ AI vào những hoạt động phi pháp, kẻ xấu còn có thể tấn công những thuật toán AI. Như tấn công “tiêm lệnh” (Prompt Injection attacks) bằng cách nhập những câu lệnh độc hại vào các mô hình ngôn ngữ lớn, thậm chí đi ngược những quy tắc đã bị hạn chế trước đó; Tấn công đối kháng (Adversarial attacks) qua thêm những trường thông tin ẩn vào hình ảnh, hoặc âm thanh, để gây ảnh hưởng đến khả năng phân loại hình ảnh của hệ thống học máy.

AI dần được tích hợp vào mọi khía cạnh trong đời sống con người, từ Apple Intelligence, Google Gemini cho đến Microsoft Copilot. Vì vậy, việc giải quyết những lỗ hổng AI nên là ưu tiên hàng đầu. Kaspersky đã sử dụng công nghệ AI để bảo vệ khách hàng, đối tác trong nhiều năm, liên tục truy tìm những lỗ hổng trong hệ thống AI, để tăng khả năng chống chịu của hệ thống và tích cực nghiên cứu các kỹ thuật tấn công mạng để cung cấp giải pháp bảo vệ đáng tin cậy chống lại những đợt tấn công từ AI.

KIM THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-thach-thuc-cua-ai-trong-thoi-dai-moi-post754401.html