Nhiều thách thức để thoát bẫy thu nhập trung bình

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong đó có các yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục; năng lực sản xuất, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Báo cáo Phát triển Thế giới 2024 của Ngân hàng Thế giới cho rằng, từ năm 1990 đến nay, đã có tới 34 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong đó có các nền kinh tế ở khu vực châu Á.

Tại Việt Nam, thế và lực cho phát triển của đất nước sau gần 40 năm đổi mới đã hoàn toàn khác với rất nhiều tiềm năng được khai mở và còn nhiều dư địa cho phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho chúng ta có thể thoát bẫy thu nhập trung bình.

Đó là sự ổn định chính trị; nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế khá vững chắc. Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong số ít các quốc gia đạt được tăng trưởng cao đi đôi với công bằng xã hội. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng gia tăng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua dưới mức tiềm năng và có xu hướng chậm lại.

Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Bao gồm các yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục; năng lực sản xuất, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao.

Tốc độ tăng trưởng trong thời gian qua vẫn ở dưới mức tiềm năng và có xu hướng chậm lại. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

“Một số ngành chủ lực phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc, năng lực tự chủ công nghệ của nhiều ngành công nghiệp chưa được cải thiện. Các mô hình kinh tế mới chậm được triển khai và nhân rộng”, ông Dũng nói.

Do độ mở lớn nên nền kinh tế trong nước chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới nhanh và mạnh hơn. Trong khi năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế chậm được cải thiện, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Các vấn đề xã hội như tốc độ già hóa dân số nhanh, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền cũng gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về phương hướng, chỉ đạo của Chính phủ đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông Dũng nhấn mạnh, nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước đã xác định bẫy thu nhập trung bình là một trong những thách thức lớn và là thách thức hàng đầu.

Trong đó có ba đột phá quan trọng mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định. Đó là hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng.

“Đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất, tạo nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công. Để hiện thực hóa đột phá này, cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế.

Làm sao thể chế phải theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại theo hướng chủ động, tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn, toàn cục. Việc xây dựng thể chế không chỉ từ trên xuống, hay từ dưới lên mà đan xen, nhiều chiều, bảo đảm tính thực tiễn cao và đủ mạnh mẽ”, ông Dũng cho biết.

Cùng đó, môi trường đầu tư, kinh doanh cần được chú ý trong bối cảnh mới. Không chỉ dừng lại ở sự ưu đãi thuế tốt cho doanh nghiệp, hay một cửa trong xử lý thủ tục hành chính mà cần sự phát triển vượt bậc về nhân lực, khoa học công nghệ và về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tư duy phát triển mới - nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội để vượt qua thách thức. Bộ cũng tham mưu các giải pháp đột phá, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, lấy phát triển để duy trì ổn định mới có thể đạt được các mục tiêu chiến lược.

Ví dụ, Việt Nam có thể nới trần nợ công nhằm tạo ra dư địa huy động nguồn lực từ trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ lệ nợ công so với GDP còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/phan-tich/nhieu-thach-thuc-de-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh/20240831012903824