Nhiều thảm họa bắt nguồn từ biến đổi khí hậu
Tuần này, các trận lụt cực đoan ở Venice lần đầu trong vòng 50 năm qua, các trận cháy rừng trái mùa tại Australia và sự bùng phát bệnh dịch hạch tại Trung Quốc cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường. Trong lúc đó, các nhà khoa học cảnh báo tình trạng nóng lên của trái đất có thể đặt gánh nặng lên các thế hệ tương lai với cuộc sống đầy bệnh tật.
Thảm họa tự nhiên từ biến đổi khí hậu
Chính quyền TP Venice đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 13-11 sau khi các trận lụt lịch sử càn quét qua thành phố, khiến các quảng trường và những tòa nhà cổ kính tồn tại hàng thế kỷ qua ngập trong nước lụt. Venice đã hứng chịu những đợt thủy triều đạt đỉnh 187cm, cao nhất từ mức kỷ lục 194cm hồi năm 1966. Các đợt thủy triều ngày một dâng cao đang trở thành mối đe dọa với “viên ngọc du lịch” của Italy.
“Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu”, Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro viết trên trang cá nhân Twitter. Thị trưởng Brugnaro cảnh báo, thiệt hại do nước lụt dâng cao sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro.
Trong khi đó, ở nam bán cầu, Australia đang phải chiến đấu với những đám cháy rừng bùng phát dữ dội khiến bốn người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán, hàng trăm con vật hoang dã bị chết cháy, hàng trăm ngôi nhà và hàng trăm ha đất bị thiêu trụi.
Kể từ năm 2016, một phần của miền bắc và bên trong bang New South Wales, cùng với miền nam Queensland, đã bị hạn hán. Cơ quan Khí tượng Australia cho biết nguyên nhân của tình trạng này một phần do nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn, gây ảnh hưởng đến các hình thái mưa.
Nhiệt độ không khí cũng ấm lên trong thế kỷ qua, khiến tình trạng hạn hán ngày càng khắc nghiệt và các đám cháy rừng ngày càng hung dữ.
Mặc dù vậy, vấn đề biến đổi khí hậu tại Australia đang trở thành vấn đề tranh cãi trong chính phủ nước này. Chính phủ ủng hộ việc cắt giảm khí thải, nhưng cũng ủng hộ công nghiệp than đá vì cho rằng hành động môi trường mạnh mẽ hơn sẽ làm tê liệt nền kinh tế đất nước.
Điều đó ngược lại với quan điểm của các nước láng giềng trên đảo Thái Bình Dương, nơi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ ấm hơn và nước biển dâng.
Trên toàn cầu, mối lo ngại về hành động đối phó hiệu quả tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nới lỏng các biện pháp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Brazil cũng đang nghi ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu bất chấp các đợt cháy rừng nghiêm trọng tại rừng mưa nhiệt đới Amazon, lá phổi xanh của trái đất.
Các quan điểm cứng rắn ngược lại những lời kêu gọi phải hành động hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu của một số nhà lãnh đạo thế giới đang khiến các cuộc đàm phán mới về việc thực hiện hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng tới tại Madrid, Tây Ban Nha gặp khó khăn.
Trả giá bằng sức khỏe của con người
Trong khi các nhà chính trị vẫn còn tranh cãi, thế giới vẫn đang chứng kiến sự gia tăng không ngừng của tác động từ việc trái đất nóng lên với sức khỏe của con người.
Sau cơn bão Idai đã tàn phá Mozambique hồi tháng 3, hay cơn bão Dorian đã "xé toạc" Bahamas hồi tháng 9, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng dân cư sống sót sau thảm họa tự nhiên ngày một gia tăng.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã hình thành nhiều cơn bão khắc nghiệt hơn so với trước đây. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nhiệt độ tăng cao gây nhiều bệnh dịch hơn với con người.
Tại Trung Quốc, cơ quan y tế ngày 14-11 đã thông báo về nguy cơ bùng phát bệnh dịch hạch hiếm gặp sau khi phát hiện ra hai trường hợp nhiễm bệnh tại Bắc Kinh trong tuần này. Nhà chức trách cho hay, hai trường hợp này bị lây nhiễm bệnh tại Nội Mông, nơi số loài gặm nhấm đang sinh sôi đáng kể sau những đợt hạn hạn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.
Tại Hà Lan, một khu vực rộng lớn cũng bị tấn công bởi nạn dịch hạch vào mùa hè năm ngoái.
Tạp chí y khoa Lancet đã công bố một nghiên cứu trong tuần này cho thấy, biến đổi khí hậu làm tăng số lượng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và làm trầm trọng thêm ô nhiễm không khí đang gây hại cho sức khỏe của người dân.
Một thế giới ấm hơn tạo ra rủi ro về tình trạng thiếu lương thực, bệnh truyền nhiễm, lũ lụt và nhiệt độ cực đoan.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không hành động, các tác động có thể đặt gánh nặng lên các thế hệ với dịch bệnh và bệnh tật trong suốt cuộc đời.
“Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những rủi ro sức khỏe do khí hậu thay đổi bởi cơ thể và hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn đang phát triển” chuyên gia Nick Watts, một trong những người dẫn đầu nghiên cứu về sức khỏe và biến đổi khí hậu của Lancet nhấn mạnh.
Ông cảnh báo thêm, tổn thương về sức khỏe trong thời thơ ấu sẽ kéo dài và gây ra những hậu quả suốt đời.
N.T
Theo Reuters