Nhiều tháng thức trắng đêm chăm cháu sơ sinh, bà ngoại nhập viện tâm thần
Lo con gái vụng về không chăm được cháu, bà Mai cứ nghe cháu khóc là bật dậy bế, khiến bà mất ngủ liên tục trong nhiều tháng, sinh ra vấn đề về tâm thần.
Bà Trần Thị Mai (45 tuổi, ở Đắk Lắk) được chồng đưa vào viện Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng tâm lý không ổn định.
Cách đây hơn 2 tháng, vợ chồng bà đón đưa cháu ngoại chào đời. Tuy đã lập gia đình nhưng cả con gái và con rể đều ở chung với ông bà ngoại.
Con gái sinh con khi chỉ mới 19 tuổi, bà Mai luôn lo sợ con không biết chăm cháu. Hàng đêm cứ nghe cháu khóc là bà lại bật dậy chạy sang phòng để bế. Liên tục 2 tháng như vậy khiến người phụ nữ 45 tuổi mất ngủ.
“Trước đây sức khỏe vợ tôi khá tốt, luôn trong trạng thái vui vẻ. Ban ngày đi làm bình thường, tối đến đi thể dục, điều độ 10h lên giường đi ngủ, sáng 6h dậy”, chồng bà Mai nói về lịch sinh hoạt của vợ.
Tuy nhiên, từ ngày có cháu lịch sinh hoạt đảo lộn, cộng với mệt mỏi do thức đêm chăm trẻ nhỏ, cơ thể bà Mai tiều tụy. Thương con người mẹ vẫn cố để hỗ trợ chăm cháu, không dám than mệt.
Hết 2 tháng ở cữ, con rể đưa vợ về quê Hải Dương với ông bà nội, bà Mai vốn đã suy nghĩ nhiều nay lại càng lo lắng. Bà sợ con về nhà chồng không biết chăm cháu sẽ bị trách mắng, đánh giá, cuộc sống không thoải mái.
Những suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu người phụ nữ này, khiến bà bị stress nặng phải nhập viện tâm thần.
Trực tiếp điều trị, bác sĩ Dương Minh Tâm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bà Mai bị rối loạn sự thích ứng rất điển hình.
“Nếu không khai thác kỹ tiền sử, biết được nguyên nhân dẫn tới bệnh thì dễ bị nhầm với trầm cảm, stress thông thường, khó điều trị bệnh”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Tâm, các triệu chứng rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện. Stress được xem là yếu tố tác động trực tiếp đến rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn này không xảy ra. Dù có mối liên quan nhưng rối loạn thích ứng và stress lại khác nhau.
"Ví dụ như trường hợp bà Mai, hai yếu tố tác động đó là cháu ngoại chào đời làm thay đổi thói quen sinh hoạt tồn tại từ lâu. Thứ hai là cháu ngoại chuyển về quê nội khiến cho bệnh nhân suy nghĩ nhiều, không thích ứng kịp”, bác sĩ Tâm phân tích.
Vị chuyên gia tâm thần cho hay, hầu hết trường hợp rối loạn sự thích ứng tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi xảy ra sang chấn. Tuy nhiên, nó có thể gây hậu quả lâu dài như mất ngủ, cách ly xã hội, suy giảm khả năng làm việc, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, sinh ra hành vi tự hủy hoại, tự sát...
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, bất cứ ai có các biểu hiện lâm sàng của bệnh như giảm khả năng tập trung và suy nghĩ, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, có hành vi tự sát; lo âu, hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở; thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù... cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị rối loạn sự thích ứng gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Hiện tại, tâm lý trị liệu vẫn là cách điều trị được lựa chọn cho các rối loạn sự thích ứng.