Nhiều thanh niên Hà Nội 'sập bẫy' kẻ giả danh công an, mất hàng trăm triệu
Dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo, hàng loạt thanh niên tại Hà Nội vẫn trở thành nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo tinh vi. Chỉ trong vài phút hoảng loạn, nhiều người đã mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Thanh niên trẻ bị lừa hàng trăm triệu đồng
Ngày 13/7, Công an TP Hà Nội phát đi cảnh báo khẩn về thủ đoạn giả danh công an đang có chiều hướng gia tăng mạnh, đặc biệt nhắm vào nhóm đối tượng là thanh niên trẻ - những người thiếu kinh nghiệm, dễ hoảng loạn và mất bình tĩnh khi bị đe dọa bằng các "vấn đề pháp lý".

Ảnh minh họa.
Theo Công an xã Tây Phương, mới đây anh H. (SN 2004, trú tại Tây Phương) đã trình báo việc bị một đối tượng giả danh cán bộ Công an TPHCM gọi điện, thông báo anh có liên quan đến một vụ án ma túy. Trong lúc lo sợ, anh H. đã chuyển gần 400 triệu đồng vào tài khoản do kẻ gian cung cấp để "hợp tác điều tra".
Trường hợp tương tự xảy ra với anh T. (SN 2005, trú tại Thanh Oai, Hà Nội). Anh bị một đối tượng mạo danh Công an xã gọi điện, vu cho anh tội liên quan đến đường dây rửa tiền. Tin lời, anh vội chuyển 18 triệu đồng, chỉ nhận ra mình bị lừa sau đó.
Kịch bản lừa đảo như phim 'tâm lý tội phạm'
Không dừng lại ở cuộc gọi thoại, các đối tượng còn nâng cấp chiêu trò bằng hình thức video call, dựng nên “màn kịch điều tra” sống động như thật.
Hình ảnh kẻ giả danh công an gọi điện lừa đảo.
Vào đầu tháng 7, một đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một nam thanh niên tự xưng là công an, lớn tiếng yêu cầu nạn nhân: “Trước khi nhận diện người, em bật camera màn hình lên, ngồi ngay ngắn nghe chưa?”
Sau đó, hắn liên tục tra hỏi với giọng đe dọa, yêu cầu nạn nhân “tìm nơi yên tĩnh để làm việc”, “không có người thứ ba can thiệp”. Đối tượng còn đưa ảnh một người lạ mặt và truy vấn: “Người này thường xuyên giao hàng cho em. Em có quen ai tên Phương ở Thái Nguyên không?”
Chưa dừng lại, nhóm lừa đảo còn bố trí thêm một người khác “đóng vai điều tra viên”, thay phiên thẩm vấn để tạo không khí căng thẳng, khiến nạn nhân mất khả năng phán đoán. Khi nhận thấy nạn nhân bắt đầu nghi ngờ, nhóm này liền buông lời chửi bới rồi cắt liên lạc đột ngột.
Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Công an TP Hà Nội kêu gọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo.
Cơ quan công an không bao giờ gọi điện yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, càng không yêu cầu cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.
Khi làm việc với công dân, công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập chính thức qua đường bưu điện hoặc Công an địa phương. Người dân phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa - nhận định: “Những tình huống dở khóc dở cười này cho thấy sự biến tướng nguy hiểm của tội phạm giả danh cơ quan chức năng. Đáng lo là nhiều người trẻ thiếu kỹ năng tự vệ, dễ trở thành ‘miếng mồi ngon’ cho các chiêu trò lừa đảo xuyên biên giới”.
Ông nhấn mạnh: “Người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần được trang bị kỹ năng nhận diện và phòng tránh lừa đảo. Bởi không phải ai cũng đủ bản lĩnh, giữ bình tĩnh khi bị dồn ép tâm lý”.