Nhiều thành tựu nổi bật

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Quy mô kinh tế thành phố mở rộng và chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực phát triển được khơi thông, thu nhập, chất lượng đời sống người dân ngày càng phát triển.

Đà Nẵng đã tập trung tháo gỡ vướng mắc khơi thông nguồn lực đầu tư hơn 50 ngàn tỷ đồng.

Đà Nẵng đã tập trung tháo gỡ vướng mắc khơi thông nguồn lực đầu tư hơn 50 ngàn tỷ đồng.

Cú hích để phát triển bứt phá

Bước vào thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố. Theo đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại thành phố Đà Nẵng; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Trung ương cũng đã quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện các công trình động lực, trọng điểm có tính chất liên vùng, như dự án Bến cảng Liên Chiểu, dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, dự án Nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng...

Theo báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy tính ưu việt, đảm bảo dân chủ, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức tinh gọn, hoạt động thông suốt; cơ quan hành chính chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề phát sinh, cấp bách ở địa phương, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Đà Nẵng là đơn vị 13 năm liên tục (2009-2022) dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam, năm thứ tư liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, hai năm liên tiếp (2021, 2022) đứng đầu cả nước về bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thành phố ưu tiên nguồn lực phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, nhất là dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế theo hướng chất lượng cao, bước đầu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, khu công nghiệp mới đang được chú trọng đầu tư và nghiên cứu mở rộng cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố.

Gỡ vướng, khơi thông nguồn lực đầu tư

Song song với việc đề xuất Trung ương phê duyệt nhiều cơ chế chính sách mới, quan trọng, đặc thù, Đà Nẵng cũng kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến dự án, đất đai... tạo điều kiện thuận lợi để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển. Thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án. Trong đó 32 dự án liên quan tới đất đai đã tháo gỡ 2 dự án, xin ý kiến cơ quan T.Ư 4 dự án, đang tháo gỡ 7 dự án, 14 dự án đang rà soát để tháo gỡ. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên phối hợp, kiến nghị với các Tổ công tác của Trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là kiến nghị với Tổ công tác 153 của Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc không thuộc thẩm quyền để nghiên cứu, bổ sung vào Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 9/27 kiến nghị theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (đạt 33%); thực hiện được 156/214 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (đạt hơn 70%), kiến nghị về xử lý tài chính đã thực hiện được 2.230/2.361,5 tỷ đồng (đạt gần 95%). Tổng nguồn lực đầu tư hơn 50 ngàn tỷ đồng đã được thành phố khơi thông từ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bởi các dự án.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2019-2023, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 177-180 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã tiếp cận, thúc đẩy hỗ trợ, tổ chức các buổi làm việc với 151 lượt nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư và triển khai các dự án. Nổi bật như Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) quan tâm dự án Cảng Liên Chiểu, Tập đoàn Công nghiệp Viettel quan tâm dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng, Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc) thành lập dự án R&D, Tập đoàn Aeon Mall (Nhật Bản), Tập đoàn Sovico quan tâm đầu tư dự án mở rộng sân bay, Tập đoàn GAZ (Nga) quan tâm đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện và lắp ráp xe ô-tô... Trong giai đoạn 2021-2023, thành phố thu hút 72 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 65.469 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố có 760 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 209.916 tỷ đồng và1.009 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Đà Nẵng chuyển hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Đà Nẵng chuyển hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Hiệu quả từ 5 lĩnh vực mũi nhọn

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW với định hướng 5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ chất lượng cao, logistics, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số. Sau đại dịch, Đà Nẵng có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, do cơ cấu kinh tế phần lớn tập trung vào du lịch, dịch vụ. GRDP của Đà Nẵng năm 2023 đạt hơn 134 ngàn tỷ đồng, mở rộng hơn 32 ngàn tỷ đồng và gấp 1,3 lần so với năm 2018 (năm trước khi có Nghị quyết số 43-NQ/TW).Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 107 triệu đồng/năm (tương đương 4.435 USD) gấp 1,2 lần so với năm 2018. Giai đoạn 2019-2023, cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng định hướng (năm 2023 dịch vụ chiếm hơn 71% GRDP). Trong cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp đang được thành phố định hướng, chuyển dịch sang công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, bước đầu đạt kết quả ấn tượng. Thành phố đã tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Nhờ đó, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông có bước phát triển mạnh, tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2023 tăng 6%/năm, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 13,3%/năm, góp phần nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 19,7%.

Về kinh tế biển, thành phố đã ban hành các đề án phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Hiện nay du lịch và dịch vụ biển của thành phố đang từng bước xây dựng thương hiệu đẳng cấp quốc tế với hệ thống các khu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp như InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort, Furama, Vinpearl, Hyatt, Premier Village, Nam An Retreat, Crowne Plaza, Mikazuki Japanese Resorts & Spa...Về kinh tế hàng hải, sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng trong giai đoạn 2019-2023 đạt 60,48 triệu tấn, tăng 5,4%/năm. Riêng năm 2023 đạt gần 13 triệu tấn. Hiện nay cảng Liên Chiểu đang được tập trung đầu tư xây dựng với diện tích 450 ha là cảng nước sâu, có vị trí quan trọng, điểm kết nối hành lang kinh tế Đông tây, cửa ngõ của miền Trung. Cùng với đó, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang được mở rộng, nâng công suất phục vụ phát triển logistics.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, bên cạnh những kết quả tích cực, Đà Nẵng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn để vượt qua. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình, dự án được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW như cảng Liên Chiểu, làng đại học Đà Nẵng, nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng...

Thành phố cũng chủ động làm việc với các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc đề xuất triển khai dự án mới, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2; đề xuất cơ chế hỗ trợ với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đề xuất cơ chế hình thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; hình thành khu kinh tế, khu phi thuế quan gắn với cảng biển…

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-thanh-tuu-noi-bat-post291941.html