Nhiều thủ đoạn tinh vi trong vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu, giả
Sáng nay 7-4, tại Bình Phước, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp Hiệp hội thuốc lá Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề 'Phòng chống thuốc lá lậu, thuốc lá giả - thực trạng và giải pháp'.
Các ông: Vũ Sao Sáng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước; Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo đã làm rõ hơn về tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ đó, đề xuất các giải pháp hạn chế tình trạng này.
Để hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo việc làm cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới để hạn chế tình trạng vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá; siết chặt hơn nữa thị trường, cơ sở kinh doanh thuốc lá; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức nhân dân về buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu; các cơ sở kinh doanh thuốc lá phải kiên quyết “nói không” với thuốc lá không rõ nguồn gốc; Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cần nghiên cứu sản xuất các loại thuốc lá có chất lượng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, giá cả cạnh tranh so với thuốc lá lậu; cần thiết phải xem xét nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá lậu, thuốc lá không rõ nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu sở dĩ chiếm được lòng tin của nhiều người vì họ cho rằng những loại này “đậm” phù hợp với thói quen của người hút; thuốc lá lậu không in hình cảnh báo trên bao thuốc và trốn thuế nên giá thành thấp… Đây là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn có thói quen sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước, thời gian qua, tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh còn diễn ra tuy chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho sản xuất thuốc lá trong nước, gây thất thu ngân sách và tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, sức khỏe và việc làm của người dân. Một số nhãn hàng bị làm giả chủ yếu như: 555, Craven A, White house... Năm 2022, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước đã xử lý 223 vụ, chuyển khởi tố 25 vụ/26 đối tượng; phạt tiền trên 1,8 tỷ đồng; tịch thu 163.502 bao thuốc lá điếu các loại.