Nhiều thuận lợi trong lấy nước đợt một gieo cấy lúa vụ đông xuân
Sau sáu ngày thực hiện lấy nước đợt một phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, đến nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành lấy nước. Theo đánh giá, đợt một lấy nước năm nay gặp nhiều thuận lợi và diện tích có nước giữa các địa phương tương đối đồng đều, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện thấp hơn dự kiến.
Theo kế hoạch, đợt một lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024 ở các địa phương khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình thực hiện từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1 với tổng cộng tám ngày.
Tuy nhiên, trước thời gian lấy nước, khu vực Bắc Bộ có mưa nhiều ngày cộng với dòng chảy được bổ sung và các địa phương ven biển lợi dụng thủy triều cao vận hành lấy nước khi điều kiện độ mặn cho phép. Bên cạnh đó, để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện trước 2,5 đến 3 ngày. Vì vậy, đến chiều 22/1 (trước thời gian lấy nước) hơn 40% diện tích ở các địa phương đã có nước phục vụ gieo cấy.
Trong đợt lấy nước này, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội bị tác động mạnh của thủy triều nên việc duy trì mực nước ở mức trung bình 1,7m gần như không bảo đảm trong tất cả các ngày lấy nước đợt một (duy nhất ngày 24/1 trung bình đạt 1,74m).
Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh
Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Trong đợt lấy nước này, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội bị tác động mạnh của thủy triều nên việc duy trì mực nước ở mức trung bình 1,7m gần như không bảo đảm trong tất cả các ngày lấy nước đợt một (duy nhất ngày 24/1 trung bình đạt 1,74m). Ngoài ra, các công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước; xâm nhập mặn ở vùng hạ du tăng cao so với trước đây; đặc biệt ở khu vực thành phố Hải Phòng nên đã ảnh hưởng đến khả năng lấy nước tại một số thời điểm”.
“Nhưng do dòng chảy đã cơ bản bảo đảm yêu cầu đẩy mặn và tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho các công trình vận hành lấy nước, nhất là các công trình ở khu vực ảnh hưởng triều và các trạm bơm dã chiến. Do đó, mực nước được duy trì ở mức tương đối cao trước một ngày so với kế hoạch đã hỗ trợ tích cực cho các công trình thủy lợi vận hành”, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết thêm.
Đến chiều ngày 29/1, diện tích có nước ở các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 399.602 ha/492.946 ha, đạt 81,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Với việc tiến độ lấy nước đợt một thuận lợi và nhanh hơn dự kiến, cho nên ngày 26/1, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Công điện rút ngắn hai ngày lấy nước đợt một (kết thúc lúc 24 giờ ngày 28/1).
Theo Cục Thủy lợi, đến chiều ngày 29/1, diện tích có nước ở các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 399.602 ha/492.946 ha, đạt 81,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Trong đó, Hà Nam 96%, Thái Bình 93%, Ninh Bình 90%, Phú Thọ 89%, Nam Định 89%, Hưng Yên 86%, Vĩnh Phúc 85%, Hải Phòng 83%, Hải Dương 81%, Bắc Ninh 77%, Hà Nội 47%. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt một là 1,893 tỷ m3 nước, thấp hơn dự kiến do dòng chảy cơ bản trên các sông được bổ sung từ mưa.
Qua đánh giá, diện tích có nước giữa các địa phương trong đợt một tương đối đồng đều (đạt mức hơn 75%), trừ thành phố Hà Nội đang ở mức 47%. Nguyên nhân do một số huyện bà con nông dân có tập quán lấy nước muộn; một số khu vực cấp nước bằng các trạm bơm dã chiến nên cần thời gian lấy nước dài.
Đến chiều ngày 29/1, đã có 61,922 ha diện tích trong hệ thống Bắc Hưng Hải có nước, đạt 88%, trong đó Hải Dương có hơn 30,4 nghìn ha, Bắc Ninh 10,6 nghìn ha, Hưng Yên 20,87 nghìn ha.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường cho biết: “Nhằm bảo đảm lấy nước hiệu quả cho sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, Công ty đã chủ động nạo vét cửa khẩu kênh ngoài Xuân Quan, giải phóng các ách tắc trên các trục chính. Đồng thời, đề nghị các địa phương tu sửa công trình, nạo vét kênh dẫn hố hút; tận dụng đầu nước cao của đợt xả nước từ các hồ thủy điện trong đợt một tích cực lấy nước đổ ải. Vì vậy, đến chiều ngày 29/1, đã có 61,922 ha diện tích trong hệ thống Bắc Hưng Hải có nước, đạt 88%, trong đó Hải Dương có hơn 30,4 nghìn ha, Bắc Ninh 10,6 nghìn ha, Hưng Yên 20,87 nghìn ha".
Cũng theo Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh: “Dự kiến đến trước đợt hai lấy nước, diện tích có nước để làm đất sẽ tăng lên thêm 8 đến 10%. Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa đông xuân sẽ được cấp đủ nước trong đợt hai bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2 (tổng cộng bốn ngày)”.
Dự kiến đến trước đợt hai lấy nước, diện tích có nước để làm đất sẽ tăng lên thêm 8 đến 10%. Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa đông xuân sẽ được cấp đủ nước trong đợt hai bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2 (tổng cộng bốn ngày).
Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ thủy điện, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ thời gian tới tiếp tục vận hành công trình thủy lợi đưa nước lên ruộng trong thời gian trước đợt hai nếu điều kiện nguồn nước cho phép; vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước. Đặc biệt, cần tập trung phương tiện lấy nước để hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt hai.
Đối với các địa phương có diện tích lấy nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước.
Mặt khác, Cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du trong đợt hai. Qua đó nâng mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây ổn định ở mức trung bình từ 1,8 đến 2,0m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Đồng thời cung cấp nguồn điện bảo đảm để các địa phương có đủ điện để vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.