Nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức trong năm học mới

Năm học mới 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông. Điều này đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh những thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị LÊ THỊ HƯƠNG.

-Thưa bà, thời điểm này, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị các điều kiện đón năm học mới như thế nào?

-Thưa bà, thời điểm này, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị các điều kiện đón năm học mới như thế nào?

-Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Quảng Trị xác định chủ đề của năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Toàn ngành hiện có gần 400 trường học với gần 180.000 học sinh. Theo đó, các cấp học tựu trường ngày 26/8/2024; riêng lớp 1 tựu trường từ ngày 19/8/2024.

Sở chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án, nội dung cụ thể để triển khai công việc cho năm học mới. Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho lễ khai giảng năm học mới thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày hội đối với thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút sự quan tâm, ủng hộ của Nhân dân cũng như toàn xã hội.

Các đơn vị trường học triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 643/CTBGDĐT ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỉ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập.

Các trường học bố trí nguồn kinh phí hợp lý và huy động nguồn hỗ trợ để mua sách giáo khoa cho thư viện trường học. Xây dựng, triển khai thực hiện phương án hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác; không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, đón học sinh lớp 1 vào năm học mới 2024-2025 - Ảnh: TÚ LINH

Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, đón học sinh lớp 1 vào năm học mới 2024-2025 - Ảnh: TÚ LINH

Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà xuất bản, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trao tặng cho 18 trường tiểu học, 15 trường THCS thuộc vùng khó về tủ sách dùng chung và Trường THPT Hướng Phùng 1 phòng máy vi tính trị giá 150 triệu đồng.

-Năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy yếu tố quan trọng nhất để phục vụ chương trình này là gì, thưa bà?

-Năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh đứng trước những thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen. Đây là năm học thứ 5 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình này được triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông. Ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai kế hoạch hành động về thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đây cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó trong quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với các lớp: 10, 11, 12 cần chú trọng cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các trường học tổ chức tuyên truyền, tư vấn, định hướng phù hợp với nguyện vọng; định hướng nghề nghiệp, năng lực của học sinh và những điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tránh tình trạng để học sinh lựa chọn thiếu căn cứ, không có định hướng, không đảm bảo chất lượng tốt nghiệp.

Đảm bảo 100% các môn có thi tốt nghiệp được thực hiện xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, rõ ràng từ mục tiêu, đối tượng, thời gian đến nội dung ôn tập và được sự phê duyệt của ban giám hiệu nhà trường. Trong quá trình tổ chức ôn tập, các tổ chuyên môn rà soát, phân loại đối tượng học sinh theo từng mức độ và mục tiêu hướng tới để ôn tập có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

-Khó khăn chung của các địa phương, trong đó có Quảng Trị là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy ngành đã tháo gỡ khó khăn như thế nào trong năm học mới này?

-Để đáp ứng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, căn cứ tình hình thực tế đội ngũ và định mức biên chế của các đơn vị, từ đầu năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc sở. Đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận viên chức cho các đơn vị trực thuộc sở.

Ngành đã tiếp nhận 3 viên chức để bố trí cho các đơn vị; tuyển dụng được 24 viên chức, thuyên chuyển 24 trường hợp, điều động luân phiên trong thời gian 1 năm học đối với 20 giáo viên từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu; điều động luân phiên 22 giáo viên đã hoàn thành công tác trong thời gian 1 năm học đến hạn trở về đơn vị cũ.

Đối với khối các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực sắp xếp, bố trí đội ngũ, từng bước đảm bảo cơ cấu, khắc phục dần tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên một số môn học, cơ bản đảm bảo việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các địa phương đã tuyển dụng 174 viên chức, tiếp nhận 67 viên chức, sắp xếp chuyển đi ngoại huyện 75 viên chức, thuyên chuyển trong huyện, thị xã, thành phố 151 viên chức; điều động luân phiên và bố trí dạy liên trường 147 viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 243 cán bộ quản lý... Phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện bố trí cơ bản đảm bảo giáo viên Tiếng Anh, Tin học để tổ chức giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó khắc phục việc thiếu giáo viên Tin học ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai kịp thời công tác bồi dưỡng cho giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên theo chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT ban hành.

Năm học 2024 - 2025, ngành vẫn thiếu giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Trước tình hình này, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ bổ sung biên chế cho năm học mới.

-Bà có thể cho biết công tác huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ngành GD&ĐT thực hiện như thế nào?

-Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cùng với thời điểm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và chu kỳ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở này, Sở GD&ĐT cùng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tích cực rà soát, tham mưu, đề xuất các cấp chính quyền đưa nội dung về lĩnh vực giáo dục vào kế hoạch triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học cho trường học. Ngoài ra, sở phối với các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tham mưu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành; kêu gọi và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để tăng cường cơ sở vật chất trường học.

Nhờ vậy, năm học mới 2024-2025, các trường học trong toàn tỉnh đã được bàn giao đưa vào sử dụng 131 phòng học, 115 phòng học bộ môn và nhiều hạng mục công trình khác như: nhà đa năng, nhà hiệu bộ.

Hoàn thiện và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học này thêm 69 phòng học và 137 phòng học bộ môn. Ngoài ra, bước vào năm học mới, các trường đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục công trình trường học, tổ chức vệ sinh khuôn viên trường, lớp để đảm bảo cảnh quan, an toàn trường học, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục.

Những năm qua, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Tỉ lệ phòng học kiên cố các cấp tăng dần: Mầm non đạt 59,18% (tăng 4,68% so với năm học 2022-2023), tiểu học đạt 82,61% (tăng 2,99% so với năm học 2022-2023), THCS đạt 96,85% (tăng 0,11% so với năm học 2022-2023); THPT đạt 100%.

-Các khoản thu đầu năm học mới luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Đề nghị bà cho biết Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, giám sát vấn đề này như thế nào để ngăn chặn hiện tượng lạm thu?

-Thực hiện Công văn số 4327/BGDĐT-GDTH ngày 14/8/2024 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3803/UBNDKGVX ngày 21/8/2022 về việc thực hiện các khoản thu trong cơ sở giáo dục năm học 2024-2025.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên nếu để xảy ra tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm các lớp đặt ra các khoản thu trái quy định. Các cấp quản lý giáo dục tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong những cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.

-Xin cảm ơn bà!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhieu-thuan-loi-xen-lan-thach-thuc-trong-nam-hoc-moi-188001.htm