Nhiều 'thuốc' nhưng rác vẫn ra đường
Trên địa bàn TPHCM có hàng trăm mô hình thiết thực xóa các điểm đen về rác thải, dọn dẹp vệ sinh. Song, câu chuyện xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân vẫn đang đặt ra nhiều mối lo. Đây được coi như 'căn bệnh' kinh niên, dù đã có nhiều 'thuốc chữa'!
Vẫn là câu chuyện ý thức
Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 152 diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, tuổi trẻ TPHCM đã ra quân dọn dẹp rác trên tuyến kênh Rạch Mướp (quận 12), Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh). Ngoài các chiến dịch định kỳ của tuổi trẻ thành phố, nhiều tổ chức cũng đã có các hoạt động nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường sống. Như nhóm Cộng đồng Xanh Việt Nam đã “hô biến” hàng trăm bãi rác tự phát trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TPHCM; chương trình Việt Nam Tái chế với hàng loạt chuỗi hoạt động thu gom rác thải điện tử trên khắp cả nước bằng cách thức “đổi rác lấy quà”...
Nhiều quận, huyện cũng tổ chức các mô hình, giải pháp, như: mô hình “Thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình và chất thải nhựa đổi nhu yếu phẩm”; “Công viên không rác”, “Bồn hoa thay điểm rác”... Ở một số khu phố cũng có phong trào “15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp” quét dọn đường, hẻm vào cuối tuần… Thế nhưng, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Mới đây, lực lượng chức năng cùng người dân xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bắt quả tang một người đàn ông 42 tuổi (quê Đồng Tháp) đi xe gắn máy chở theo 3 bao tải chất thải đổ ra bãi đất trống đường liên tổ 8 - tổ 3, ấp 2 của xã. Đây là một trong 2 trường hợp từ đầu năm đến nay bị bắt quả tang việc đổ, bỏ rác thải không đúng nơi quy định...
Riêng năm 2023, trên địa bàn xã Tân Kiên đã phát hiện và xử phạt 9 trường hợp. Hay mới đây, chỉ sau 1 tháng không được dọn dẹp, hàng trăm tấn rác trôi dạt đầy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hay sau mỗi sự kiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), hình ảnh người đi - rác ở lại không còn lạ lẫm! Ghi nhận tại các tuyến đường cũng thấy tình trạng xả rác diễn ra vẫn rất phổ biến. Chẳng hạn, tại chân cầu vượt đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức), dù lực lượng chức năng thường xuyên dọn dẹp nhưng chỉ vài ngày sau nơi này lại xuất hiện những đống rác lớn...
Đẩy mạnh phạt nguội
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, huyện đã kiện toàn lại tổ công tác liên ngành và thành lập tổ kiểm tra xử lý thông tin, phản ánh về môi trường (tổ 247) để xử lý các trường hợp xả rác, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2021 đến nay, huyện xử lý 270 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng, trong đó, có 1 trường hợp chuyển cho công an xử lý hành vi có dấu hiệu tội phạm.
Còn theo Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường, năm 2022-2023, Đội Quản lý trật tự đô thị và UBND 14 phường kịp thời phát hiện và xử lý 317 trường hợp vi phạm môi trường với tổng số tiền hơn 268 triệu đồng; nhắc nhở 106 trường hợp. Tại huyện Củ Chi, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chọn tuyến đường thường xuyên phát sinh rác thải để xử lý dứt điểm, tạo sức lan tỏa. Trên địa bàn huyện đã thực hiện lắp đặt 3.233 camera tại các tuyến đường, qua đó giám sát việc xả rác không đúng nơi quy định. Trong năm 2023, đã nhắc nhở 60 trường hợp; xử lý vi phạm hành chính 28 trường hợp, với số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.
Theo thống kê của Sở TT-TT TPHCM, trên địa bàn TPHCM có khoảng 60.000 camera các loại lắp tại các khu dân cư. Đến cuối năm 2023, Công an TPHCM cũng thông tin, mô hình camera giám sát an ninh trật tự đã lắp đặt hơn 30.000 camera và hơn 4.200 đầu thu. Với Nghị định 45 của Chính phủ cho phép “phạt nguội” các hành vi xả rác ra nơi công cộng, hệ thống camera này chính là công cụ đắc lực để cơ quan quản lý xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường.
Là đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giám sát việc thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai, cho rằng, phải chú trọng xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp hoặc gián tiếp (phạt nguội qua trích xuất hình ảnh) về lĩnh vực môi trường. Dù vậy, theo lãnh đạo các địa phương, việc xử lý hành vi xả rác ra nơi công cộng không đơn giản.
Hiện nay chưa có chế tài xử lý những đối tượng vi phạm nhưng không nộp phạt nên chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, để hình thức này phát huy hiệu quả còn cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng và sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp trong việc phát hiện, cung cấp thông tin về hành vi vi phạm.
- TS BÙI NGỌC HIỀN, Học viện Cán bộ TPHCM:
Phải quyết liệt trong thực hiện chế tài
Ra nước ngoài, nhất là các nước phát triển, sẽ nhận thấy môi trường nước bạn rất sạch sẽ; gần nước ta nhất là Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bản thân chúng ta sang nước bạn cũng rất tuân thủ quy định về việc bỏ rác, nhưng khi về nước thì lại vi phạm quy định. Về mặt xã hội, chỉ có tổ chức thực thi nghiêm các quy định pháp luật với các chế tài rõ ràng, nhất quán và nghiêm khắc thì mới tạo ra được cơ chế tự điều chỉnh của các nhóm xã hội; ý thức xã hội được hình thành, trở lại điều chỉnh các hành vi xã hội. Không phải người nước bạn khác người nước mình, hay mảnh đất đó khác mảnh đất mình, mà chính chế tài đã rèn thành ý thức của mỗi người. Khi một hành vi xả rác rất nhỏ lại bị phạt rất nặng, phạt đến nơi đến chốn, không ai là ngoại lệ thì thành phản xạ có điều kiện và dần dà thành ý thức.
- Ông PHAN VĂN LÝ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh:
Huy động “tai mắt” trong nhân dân
UBND xã Tân Kiên đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường trên địa bàn xã. Các tổ này có nhiệm vụ chủ động giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân có dấu hiệu vi phạm gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. UBND xã kêu gọi người dân phát hiện, tố giác và nhanh chóng báo tin chính xác để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Xã cũng tổ chức biểu dương, khen thưởng các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm về môi trường để tạo động lực, phát huy vai trò, “tai mắt” trong nhân dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-thuoc-nhung-rac-van-ra-duong-post732512.html