Nhiều thương binh nặng đến từ sớm xem lễ diễu binh, diễu hành
Từ rạng sáng 30/4, hòa chung dòng người nô nức di chuyển về các địa điểm xem diễu binh tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, có những cựu chiến binh, thương binh lặng lẽ có mặt từ rất sớm.

Người dân chào đón các đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về sự Đại lễ. (Ảnh: MINH TÂM)
Vừa có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sau chuyến bay lúc nửa đêm từ Nghệ An, hai anh em cựu chiến binh Trần Văn Phúc và Trần Văn Trường liền có mặt tại khu vực Dinh Độc Lập để xem diễu binh, diễu hành mừng ngày Đại lễ của đất nước.
Cả hai đều là thương binh, một người thậm chí mang thương tật vĩnh viễn 91% nhưng đều vượt qua mọi mệt nhọc, hào hứng xen lẫn tự hào khi chứng kiến từng đoàn diễu binh đi qua.

Hai anh em cựu chiến binh, thương binh Trần Văn Phúc và Trần Văn Trường, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.
Màn trình diễn của từng khối chiến sĩ Lục quân, Đặc công hay Nữ chiến sĩ biệt động, chiến sĩ Đặc nhiệm dù nữ…. như nhắc nhớ lại thời trai trẻ đầy vẻ vang, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, đặc biệt là đỉnh cao chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 mà cả hai cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia.
Thương binh hạng 3/4, Trần Văn Phúc, thuộc sư đoàn Ba Sao Vàng, quân khu 5, trong chiến dịch Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ cùng Quân đoàn 2 tấn công hướng Duyên Hải vào giải phóng đông Bà Rịa-Vũng Tàu, Côn Đảo và Cần Giờ, cho biết: “Sau 50 năm, đến bây giờ tôi mới quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Càng ý nghĩa hơn khi đúng thời điểm cả nước chào mừng kỷ niệm đại thắng mùa Xuân vĩ đại của dân tộc. Được trực tiếp dự lễ kỷ niệm, thật sự xúc động, những cảm xúc về thời chiến đấu lại ùa về, bồi hồi lắm. Điều phấn khởi nhất là tôi thấy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, thật sự ấn tượng, rất vui”.

Từ 4 giờ sáng 30/4, cụ Nguyễn Văn Thành được con gái Nguyễn Thị Xuân đưa đến dự khán xem diễu binh.
Cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1928 có lẽ là một trong những quân nhân cao tuổi nhất về dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Ông đã từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến trường Nam Lào. Năm nay dù ở tuổi xưa nay hiếm lại thêm chấn thương hành hạ do té ngã cách đây 2 năm, nhưng những mệt nhọc và khó khăn về thể chất vẫn không thể làm lung lay quyết định về dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Bà Nguyễn Thị Xuân, con gái cụ Thành, cho biết: “Khi nghe cụ nói muốn dự Đại lễ kỷ niệm 30/4, cả gia đình ai cũng lo vì cụ tuổi cao, sức yếu rồi. Nhưng rồi cụ vẫn quyết tâm đi cho được, nói là mong muốn có thể là lần cuối được xem diễu binh. Gia đình tôi phải lo chăm sóc cụ thật kỹ trong khả năng, khi nào sức khỏe không ổn định sẽ rời khỏi sự kiện”.
Sau gần 2 năm làm việc tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ông Trình Tùng, quốc tịch Trung Quốc được người bạn dẫn đi xem lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Chứng kiến những bước diễu binh trong khí thế hào hùng của các đơn vị vũ trang, ông Trình Tùng thán phục, cho biết: “Ở đất nước tôi cũng ít có dịp xem trực tiếp diễu binh mà chỉ xem qua kênh tin tức. Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp, thấy thật sự rất hấp dẫn. Tôi thích bầu không khí khi mọi người cùng chào đón từng đoàn diễu binh đi qua. Cũng tình cờ, tôi may mắn được dịp xem đại diện quân đội Trung Quốc cùng diễu hành tại Việt Nam. Đây là một dịp hiếm có nên rất vui”.