Nhiều thương hiệu lớn bị tẩy chay tại Indonesia và Malaysia
Các thương hiệu đa quốc gia của phương Tây như McDonald's, Starbucks và Danone đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng tại Indonesia và Malaysia như một hệ quả của cuộc xung đột Israel Hamas.
Kể từ khi giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023, hàng loạt các thương hiệu toàn cầu lớn có nguồn gốc từ phương Tây như Unilever, McDonald’s, Starbucks hay Danone phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng, đặc biệt là tại các quốc gia đa số Hồi giáo như Indonesia và Malaysia. Nguyên nhân là do các cáo buộc những công ty này có thái độ ủng hộ phía Israel.
Nikkei Asia dẫn lời giám đốc tài chính của Unilever Fernando Fernandez ngày 8/2 cho biết: “Tại Indonesia, chúng tôi chứng kiến doanh số bán hàng giảm 2 chữ số trong quý 4/2023, do doanh số của một số công ty đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tập trung vào vấn đề địa chính trị và hướng tới người tiêu dùng”.
Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s ngày 5/2 cũng công bố mức tăng trưởng doanh số bán hàng yếu trong quý 4/2023 ở bộ phận kinh doanh quốc tế, một phần do cuộc xung đột Israel - Hamas. Cụ thể, báo cáo tài chính của tập đoàn cho biết tại các thị trường quốc tế nơi công ty cấp quyền nhượng quyền thương mại cho các đối tác, doanh số bán hàng chỉ tăng 0,7%, giảm mạnh so với mức tăng 16,5% cùng kỳ năm 2022. Điều này đã “phản ánh lại tác động của cuộc giao tranh ở Trung Đông”.
Giám đốc điều hành Chris Kempczinski nhận định: “Tác động rõ rệt nhất mà chúng tôi đang thấy là ở Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo như Indonesia và Malaysia. Chừng nào cuộc xung đột này, cuộc chiến này còn tiếp diễn, chúng tôi không mong đợi sẽ thấy bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào ở những thị trường này”.
Berjaya Food, chủ sở hữu nhượng quyền chính của chuỗi cà phê Starbucks tại Malaysia, báo cáo doanh thu giảm 38,2% xuống còn 38,7 triệu USD trong quý 4/2023 do "một cuộc tẩy chay đang diễn ra" liên quan đến giao tranh.
Theo nhận định từ CGS-CIMB Securities có trụ sở tại Malaysia, "cuộc tẩy chay sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong thời gian ngắn của Berjaya Food và đè nặng lên giá cổ phiếu của công ty cho đến khi lời kêu gọi tẩy chay dần hạ nhiệt”. Lợi nhuận ròng của Berjaya Food cũng được ước tính giảm 30% trong năm tài chính 2024.
Không chỉ các tập đoàn lớn đang bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cảm nhận được tác động từ sự tức giận của người tiêu dùng. Nikkei Asia dẫn lời bà Neneng Suria, chủ cửa hàng tạp hóa có trụ sở tại Bogor, ngoại ô Jakarta, Indonesia cho biết sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên kệ hàng của bà là sản phẩm nước đóng chai Aqua của gã khổng lồ đồ uống Pháp Danone.
Bà cho biết nhu cầu với sản phẩm này đã giảm khoảng 80% trong tháng 12, khiến kho hàng của bà ngập tràn những sản phẩm chưa bán được. Tuy nhiên, bà cho biết bản thân cùng gia đình vẫn giữ thái độ ủng hộ việc tẩy chay. Bà chia sẻ: “Mối bận tâm của tôi trước kia là hàng tồn kho trong cửa hàng, nhưng sau khi xem tác động của cuộc chiến, chúng tôi không còn quan tâm nữa”.
Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia vẫn luôn cố gắng phủ nhận việc mình đứng về bất cứ bên nào trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza.
Starbucks Malaysia ngày 28/2 tái khẳng định rằng các cửa hàng nhượng quyền thương mại ở địa phương "hoàn toàn thuộc sở hữu của một công ty niêm yết đại chúng của Malaysia" là Berjaya Food. Công ty cũng nhấn mạnh rằng mình đã "liên tục chứng minh cam kết" với người tiêu dùng Malaysia trong hơn 25 năm qua.
Starbucks Malaysia khẳng định: “Chúng tôi lên án bạo lực, thiệt hại về sinh mạng vô tội cũng như mọi lời nói căm thù. Bất chấp những tuyên bố sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi không có chương trình nghị sự chính trị. Chúng tôi không sử dụng lợi nhuận của mình để tài trợ cho bất kỳ hoạt động chính phủ hoặc quân sự nào ở bất kỳ đâu - và không bao giờ làm như vậy”.
Ông trùm Vincent Tan, người sáng lập Berjaya Food, cũng kêu gọi người tiêu dùng chấm dứt chiến dịch tẩy chay, đồng thời nhấn mạnh quyền sở hữu địa phương và nhân sự của Starbucks Malaysia. Ngày 4/3, tờ New Straits Times dẫn lời ông trong chuyến công tác tới Nhật Bản cho biết: “Trong các cửa hàng, 80-85% nhân viên là người Hồi giáo”. Việc tẩy chay do đó “không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”.
Về phía Unilever Indonesia, công ty hồi tháng 11/2023 thể hiện sự quan ngại về cuộc xung đột tại Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp của mình trong việc "phục vụ người tiêu dùng ở Indonesia trong 90 năm”. Công ty khẳng định các sản phẩm đều “được sản xuất, phân phối và bán bởi người dân Indonesia”.
Đại diện của Danone tại Indonesia cũng trong tháng 11/2023 lên tiếng khẳng định Danone không hoạt động ở Israel và không có nhà máy ở đó. Tại Indonesia, “Danone có 25 nhà máy với 13.000 nhân viên và phục vụ hơn 1 triệu thương nhân trên khắp cả nước”.