Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Lê Minh Hoan, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh. Nếu khai thác triệt để 157 triệu tấn phụ, phế phẩm nông nghiệp, có thể thu thêm nhiều tỷ USD và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Xu thế tất yếu
Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động của Bộ NN - PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, ngày 30.9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh, khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nếu khai thác triệt để 157 triệu tấn phụ, phế phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản, sẽ có thể thu thêm nhiều tỷ USD và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,5 - 3%/năm. Đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, năm 2050 ổn định ở mức 42 - 43%. Tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến năm 2030 ít nhất 30%; năm 2050 ít nhất 60%. Giảm phát thải khí nhà kính...
Theo ông Nguyễn Tất Đại, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN - PTNT, quá trình tăng trưởng xanh của ngành hiện gặp nhiều khó khăn do đất đai manh mún, khó hình thành hình thức sản xuất khép kín, tập trung, quy mô lớn. Việc áp dụng công nghệ còn hạn chế, trong canh tác vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, lãng phí tài nguyên. Đồng thời, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp...
Để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, mới đây, Bộ NN - PTNT đã ban hành kế hoạch hành động với nhiều nhóm giải pháp. Theo đó, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững; tổng hợp các mô hình nông nghiệp xanh, đánh giá hiệu quả và truyền thông để nhân rộng; tiếp tục chuyển đổi số, thu thập dữ liệu phục vụ phát triển nông nghiệp xanh...
Nông nghiệp xanh đang là xu thế toàn cầu
Nguồn: ITN
Chú trọng giải pháp tài chính
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính, xu hướng xanh trong ngành nông nghiệp là điều tất yếu. Công ty đã có những dự án hợp tác với bà con nuôi ngao để giảm hiệu ứng nhà kính, tuy vậy quá trình liên kết chuỗi gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là về tài chính. Từ thực tế này, ông cho rằng, để xanh hóa ngành nông nghiệp đầu tiên phải có hỗ trợ về mặt tài chính và tạo ra cơ chế, chính sách bảo hiểm cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp đòi hỏi có nguồn tài chính khổng lồ, cần giải pháp huy động tài chính trong và ngoài nước. TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh thông qua quan hệ đối tác công - tư, tín dụng xanh, thị trường carbon, trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh... Cùng với đó, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế; sửa đổi quy định quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi...
Cùng quan điểm, ông Li Guo, điều phối nông nghiệp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần chuyển từ tham gia trực tiếp sang hỗ trợ. Theo đó, Bộ NN - PTNT và các Sở NN - PTNT cần tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ đối tác công - tư trong chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp. Đồng thời, giám sát các tác động môi trường của các chính sách và đầu tư; thiết lập hệ thống tiếp cận tài chính carbon. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích áp dụng công nghệ và thực hành nông nghiệp xanh; áp dụng phí tưới tiêu để tăng hiệu quả sử dụng nước; tăng cường đa dạng hóa, các tiêu chuẩn và tuân thủ về môi trường…
“Cần hành động khẩn cấp, càng lâu chuyển đổi chi phí càng cao. Đặc biệt, tránh “bị” thay đổi hoặc thay đổi một cách thụ động và phải thu nhiều hơn từ ít hơn”, ông Li Guo nhấn mạnh.