Nhiều TikToker bị phản đối vì chạy theo trào lưu 'gợi nỗi đau', giả làm người đã qua đời
Nhiều người sử dụng TikTok, chủ yếu ở tuổi teen, đang chạy theo trào lưu đóng giả làm nạn nhân của Thảm họa diệt chủng. Điều này khiến rất nhiều người phẫn nộ và yêu cầu phải xóa các video đó.
Một trào lưu "gợi nỗi đau" đang diễn ra trên TikTok, khiến nhiều người xem cảm thấy rất phẫn nộ. Theo đó, các TikToker quay clip đóng giả làm nạn nhân (đã qua đời) trong Thảm họa diệt chủng.
Một số người mặc trang phục kẻ sọc, giống với quần áo mà người Do Thái phải mặc ở những trại tập trung. Sau đó, với vẻ mặt buồn thảm, họ nói những lời như thể họ đang ở trên Thiên Đường, nhớ lại việc mình đã chết trong Thảm họa tàn sát người Do Thái (1941 - 1945).
Cũng có những người khác đính ngôi sao David vào áo, trang điểm hoặc dùng bộ lọc để trông như thể họ thuộc về những năm 1940, bầm dập, lấm bẩn, và thêm các hình ảnh trại tập trung làm nền.
Tất nhiên, những clip như thế này gây phẫn nộ cho nhiều người, bao gồm cả các cộng đồng người Do Thái. Có người khẳng định rằng, các TikToker làm thế này chỉ để gây sốc, nhằm “câu like”. Một bạn người Do Thái ở Mỹ gọi những người tạo ra các nội dung này là “thiếu hiểu biết” và “dốt nát”. Thực tế, chính một TikToker người Do Thái, 21 tuổi, cũng nói rằng nhiều người chạy theo trào lưu này để có fame, chứ không hiểu được tính phức tạp của Thảm họa, nên những video của họ cuối cùng lại như đang đùa cợt, khiến người Do Thái cảm thấy bị xúc phạm.
Tuy nhiên, một số TikToker nói rằng, họ làm video chỉ “nhằm mục đích giáo dục”, muốn cho mọi người biết thêm về lịch sử, hoặc “mở rộng nhận thức”, chứ “không có ý xấu”.
Nhưng dù mục đích của họ là gì thì việc họ làm cũng đã phản tác dụng. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng phê bình trào lưu này, bao gồm cả Diane Saltzman, một giám đốc ở Viện bảo tàng Holocaust ở Mỹ. Bà cho rằng, việc “nhái” theo Thảm họa thế này đang làm tầm thường hóa lịch sử, thậm chí có tính xúc phạm đối với những người còn sống.
Trang Metro đã liên lạc với TikTok nhưng TikTok không bình luận. Các video cũng chưa bị xóa (trừ phi tác giả tự xóa), bởi chúng không bị coi là vi phạm các quy định dành cho người sử dụng.
Thực tế, có nhiều viện bảo tàng, trung tâm giáo dục với nhiều tài liệu và phương tiện để bất kỳ ai cũng có thể mở rộng kiến thức về lịch sử. Chứ cách làm của một số TikToker như trên rất phản cảm. Một cư dân mạng đã giải thích rất đơn giản mà rõ ràng: “Thảm họa diệt chủng không phải là trend!”.
Thục Hân
(Theo nhiều nguồn tin)