Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc triển khai ứng phó bão số 3

Trước khả năng mưa lũ, ngập úng, sạt lở mà hoàn lưu bão số 3 có thể gây ra, nhiều tỉnh phía Bắc dù nằm sâu trong đất liền đã triển các giải pháp ứng phó.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp chiều nay 5-9, về công tác ứng phó với siêu bão số 3 - tên quốc tế là YAGI, ngoài các tỉnh ven biển, các tỉnh sâu trong đất liền và trung du, miền núi phía Bắc cho biết đã triển khai các công việc ứng phó mưa lớn, lũ quét, ngập úng mà hoàn lưu bão có thể gây ra những ngày tới.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 3. Ảnh: NAM TRẦN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 3. Ảnh: NAM TRẦN

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cho biết đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Các đơn vị theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến bão số 3, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Lãnh đạo các huyện, thị ở Thái Nguyên sẽ căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, chủ động bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương. Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Với thành phố Thái Nguyên, trong đợt mưa lớn tuần trước có một số nơi nơi ngập sâu thì ngoài giải pháp hạn chế thiệt hại do bão số 3 sắp tới, còn phải phải xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài, đảm bảo việc tiêu thoát nước, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.

 TP Thái Nguyên ngập sâu trong đợt mưa lớn hôm 22-8. Ảnh CTV

TP Thái Nguyên ngập sâu trong đợt mưa lớn hôm 22-8. Ảnh CTV

Tại Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ" bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Các sở, ban, ngành liên quan kịp thời triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn các công trình hồ đập thủy điện, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản, hệ thống điện. Chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời thường xuyên tăng cường các thông tin về diễn biến của bão số 3, diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập úng, sạt lở đất đến người dân và các cấp chính quyền, để chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục.

Tại Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 với tinh thần chủ động cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi rà soát toàn bộ các nội dung, phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với diễn biến cơn bão số 3 và điều kiện thực tế; đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lũ lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.

Giao Giám đốc Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo công tác chỉ đạo phải thường xuyên, kịp thời, sát với thực tế và phù hợp với từng cấp độ rủi ro thiên tai.

Tại Bắc Giang, tỉnh dự báo từ sáng 7-9, các khu vực gồm thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8.

Rủi ro thiên tai ở cấp độ 3, hoàn lưu bão có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Từ đêm ngày 6-9 đến hết ngày 8-9, các nơi trong tỉnh khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông. Thời gian mưa lượng lớn tập trung từ trưa ngày 7 đến trưa 8-9. Lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 - 250mm/đợt.

Tỉnh Bắc Giang chủ động ứng phó bão số 3 theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó với bão ở mức cao nhất.

Đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão, lũ.

Các huyện vùng núi chủ động xây dựng phương án sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt các hộ dân sau đập đang có dung tích chứa đang đạt xấp xỉ 100% dung tích thiết kế và vùng ven sông suối có nguy cơ sạt lở cao).

Phân công lãnh đạo và các cơ quan chức năng xuống các địa phương, vị trí xung yếu để trực tiếp chỉ đạo khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra cụ thể công tác “bốn tại chỗ”, chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa, lũ lớn gây chia cắt dài ngày.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-tinh-mien-nui-phia-bac-trien-khai-ung-pho-bao-so-3-post808527.html