Nhiều tỉnh nới lỏng, 22 chốt ở Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường, có cần thiết?
Đã 3 tuần Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15, nhưng 22 chốt cửa ngõ vẫn kiểm soát theo Chỉ thị 16; Dù tiêm 2 mũi vắc xin, có giấy xét nghiệm PCR âm tính vẫn không được ra khỏi TP vì không có giấy đi đường...
Hà Nội đã có giai đoạn chống dịch theo Chỉ thị 16 với gần 60 ngày giãn cách nghiêm ngặt, được đánh giá là phù hợp với diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta.
Sau kiểm soát dịch, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15, không kiểm soát giấy đi đường trong nội đô, nhưng duy trì 22 chốt ở cửa ngõ theo tinh thần của Chỉ thị 16, các chốt này vẫn kiểm soát giấy đi đường.
2 mũi vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính... vẫn không được rời Hà Nội
Đã gần 3 tuần Hà Nội nới lỏng giãn cách, thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng đến nay vẫn duy trì việc kiểm soát giấy đi đường ở 22 chốt cửa ngõ.
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định việc nới lỏng từng bước, nhưng suốt 3 tuần qua, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ vẫn cứng nhắc trong kiểm soát giấy đi đường cả chiều vào và chiều ra, trong khi nhiều tỉnh, thành đã bỏ kiểm soát giấy đi đường.
Tại chốt kiểm soát ở Pháp Vân-Cầu Giẽ, khi kiểm soát chiều ra, tất cả mọi trường hợp phải có giấy đi đường, không có thì quay đầu xe. Những cán bộ làm nhiệm vụ tại đây chỉ giải thích ngắn gọn, phải có giấy đi đường theo quy định của thành phố.
Tại chốt trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc kiểm soát giấy đi đường vẫn được thực hiện ngặt nghèo. Một trường hợp nhà ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) kể, do cần ra khỏi Hà Nội để đón con, sau khi đã tiêm 2 mũi vắc xin, chủ động đi xét nghiệm PCR nhưng vẫn không đủ điều kiện qua chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vì thiếu giấy đi đường.
Ghi nhận ở các chốt kiểm soát, khá nhiều người dân bày tỏ ý kiến về việc kiểm soát giấy đi đường ở thời điểm này là không cần thiết.
Đặc biệt, với chiều ra khỏi Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát chỉ nên dừng ở điều kiện xét nghiệm PCR âm tính trong 72h và tiêm vắc xin, còn người dân đi tới đâu thì theo quy định về kiểm soát dịch của địa phương đó.
"Nơi tôi ở chưa từng có yếu tố về dịch bệnh. Tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin đủ ngày, đã xét nghiệm PCR âm tính... mà vẫn yêu cầu phải ra phường xin giấy đi đường mới được ra khỏi Hà Nội, đây là quy định làm khó người dân", một người dân phản ánh với VietNamNet.
Phương châm phong tỏa hẹp, sao hạn chế dịch vụ ở vùng xanh?
TP Hà Nội đã nới lỏng một số hoạt động dịch vụ từ ngày 21/9 khi thực hiện Chỉ thị 15 như: Người dân được tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không tập trung quá 10 người; Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm được phép hoạt động trở lại…
Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều quận huyện ở Hà Nội đã duy trì "vùng xanh" nhiều ngày, nhưng vẫn chưa được nới thêm các hoạt động dịch vụ.
Đặc biệt, tính đến 18h ngày 9/10, Hà Nội đã tiêm được hơn 8,43 triệu mũi vắc xin, trong đó có gần 5,9 triệu mũi 1 (đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi và 71% tổng dân số), tiêm được hơn 2,53 triệu mũi 2 (đạt 42,1% dân số trên 18 tuổi và 30,6% tổng dân số).
Với quy mô 10 triệu dân, mật độ dân cư cao, song số F0 của Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số ca F0 của cả nước. Hơn nửa tháng trở lại đây, trừ ổ dịch Bệnh viện Việt Đức (từ 30/9, đã phong tỏa), Hà Nội ghi nhận thêm một số ca dương tính ngoài cộng đồng, tuy nhiên những nơi này đã được phong tỏa hẹp, các lực lượng đã truy vết thần tốc, khoanh gọn không để lây lan rộng.
Tính đến 18h ngày 9/10, Hà Nội cũng chỉ còn 13 điểm đang phong tỏa. Tất cả những yếu tố trên được xem là thuận lợi nhất để Hà Nội có thể trở thành địa phương tiên phong mở cửa các hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều quận huyện, phường xã không có ca mắc mới, đến nay vẫn chỉ được hoạt động dịch vụ bán hàng mang về mà không nới thêm các hoạt động dịch vụ khác.
Nhiều hộ kinh doanh hàng ăn uống khẳng định, sẵn sàng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo giãn cách, kiểm soát nghiêm khách đến... nhưng cũng chưa biết khi nào mới được phục vụ khách ăn uống tại chỗ.
Taxi chưa được hoạt động, khách bay đến phải cách ly 7 ngày
Đến nay các hoạt động dịch vụ vận tải trong nội đô như taxi, xe buýt, xe công nghệ dưới 9 chỗ vẫn chưa được cho phép hoạt động trở lại.
Ở giai đoạn Cục Hàng không có văn bản xin ý kiến với kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa, TP Hà Nội trong văn bản trả lời cũng không nói rõ có đồng ý hay không.
Phải sau cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, TP Hà Nội mới có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT triển khai tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng từ ngày 10- 20/10 với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.
Tuy nhiên, để bay tới Hà Nội, hành khách đi từ TP.HCM và Đà Nẵng phải đáp ứng các tiêu chí như: Có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Đáng lưu ý, với người bay từ TP.HCM đến phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của Hà Nội hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố. Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Quy định phải cách ly tập trung 7 ngày khiến nhiều người băn khoăn vì những hành khách được bay đều phải đủ điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin, đã xét nghiệm PCR âm tính?.
Đã có ý kiến nêu, nếu một người có lịch ra Hà Nội công tác 1-2 ngày, người này phải sắp xếp hành trình xuất phát hành trình trước đó 7 ngày để cách ly tập trung?.
Với việc mở lại hàng không, đường sắt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, việc mở lại các đường bay nội địa cần có lộ trình. Ông cho rằng công suất các khu cách ly tập trung của Hà Nội hiện chỉ là 110.000 người, nên trong thời gian ngắn mở cửa trở lại hàng không và đường sắt, số người cần cách ly tập trung sẽ vượt quá năng lực của TP.
Cần thay đổi việc kiểm soát
Đánh giá về những quyết định hiện nay của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội quá dè dặt, hiện Thủ đô tương đối an toàn khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn so với nhiều tỉnh, vì vậy nên nới rộng các hoạt động cho mọi người.
Còn nếu vẫn như hiện nay thì sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là việc đi học của học sinh và giao lưu công việc của mọi người.
Ông Nga kiến nghị Hà Nội nên cho phép ăn uống ngoài trời, chỉ cần khuyến cáo người dân giữ khoảng cách; cho phép hội họp đông người với người đã tiêm vắc xin; hoạt động thương mại mở rộng hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Chính phủ đã xác định không thể "zero Covid-19". Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ sân bay hiện không cao, vì đối tượng bay đều được giám sát chặt chẽ, tiêm đủ liều vắc xin, không phải đối tượng đi lại tự do. Hơn nữa, mở lại đường bay đến Hà Nội không chỉ là nhu cầu của người dân tới Hà Nội, mà còn di chuyển về các tỉnh phía Bắc.
“Nhiều tỉnh đã đồng ý mở lại bay nội địa. TP.HCM cũng đã mở, vì sao Hà Nội lại quá lo lắng? Hà Nội nên mở cửa rộng hơn nữa”, ông Nga khuyến cáo.
Ông cũng đề xuất TP nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. Để đảm bảo an toàn, thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm.
Ý kiến từ các chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giữ kiểm soát bằng giấy đi đường ở 22 chốt hiện nay là bất cập, làm khó người dân. Thay vào đó nên tập trung kiểm soát bằng kết quả xét nghiệm hoặc 2 mũi tiêm vắc xin.
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, để khởi động lại các đường bay nội địa cần có sự ủng hộ, quyết đoán của lãnh đạo các địa phương.
Việc kết nối lại giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng cần làm ngay. Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ để thí điểm rồi mở rộng ra. Đóng cửa rất dễ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả địa phương, sân bay và kinh tế chung của đất nước.