Nhiều tỉnh thành dừng các hoạt động tôn giáo đông người để phòng dịch
Trước tình hình COVID-19 cực kỳ phức tạp, nhiều địa phương đã tạm dừng các hoạt động tôn giáo, yêu cầu không tụ tập đông người, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu...
Trước tình hình COVID-19 cực kỳ phức tạp, nhiều địa phương đã tạm dừng các hoạt động tôn giáo, yêu cầu không tụ tập đông người, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu...
Bình Thuận tạm dừng các hoạt động nghi lễ tôn giáo, tăng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19
Chiều 28/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong ký công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động nghi lễ tôn giáo tập trung đông người (trên 10 người) tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khuyến khích các hình thức sinh hoạt trực tuyến.
Các cửa hàng, quán ăn, quán càphê, quán nước phải giảm 50% công suất bán tại chỗ, khuyến khích bán mang đi, sắp xếp lại bàn ghế giãn cách theo quy định. Riêng quán cà phê, quán nước phải thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên đối với tất cả nhân viên phục vụ và khách (trừ lúc uống).
Từ 0 giờ ngày 29/5/2021 đến hết ngày 4/6/2021, tỉnh Bình Thuận tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, đi và đến các tỉnh có dịch.
Sở Giao thông Vận tải kích hoạt lại tổ kiểm tra y tế tại các bến xe, bến cảng, bến tàu; tiếp tục quản lý, yêu cầu các tuyến xe khách, xe buýt, xe taxi giảm 50% công suất. Tất cả lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách đi xe, tàu phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch…
Đặc biệt, tuyến vận tải Phan Thiết-Phú Quý không chở hành khách đến từ các tỉnh, thành có dịch ra đảo Phú Quý.
Sở Y tế chỉ đạo xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp đi đến, về từ Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc nhóm có nguy cơ cao) và các địa phương có dịch trong vòng 14 ngày; thực hiện lấy mẫu giám sát rộng rãi tại các nơi có nguy cơ cao, các hoạt động tập trung đông người như cảng cá, nhà hàng, khách sạn, chợ, các khu công nghiệp, doanh nghiệp có nhiều lao động… Đồng thời, Sở Y tế rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết sẵn sàng cho các tình huống dịch.
Tính đến ngày 28/5, Bình Thuận đã liên tiếp 440 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc COVID-19 ngoài cộng đồng.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đang điều trị một trường hợp mới mắc COVID-19 là người nhập cảnh từ Indonesia được thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, cách ly, không có khả năng lây lan trong cộng đồng.
Hiện, toàn tỉnh có 59 trường hợp đang cách ly tại khu cách ly tập trung; 124 trường hợp đang theo dõi, giám sát và cách ly tại nhà.
Bạc Liêu tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị, công ty, bến tàu, bến phà…; chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/5, Đoàn tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (chi nhánh Bạc Liêu), Cảng cá Gành Hào, Ban Quản lý chợ Gành Hào (huyện Đông Hải).
Tại các nơi đến, Đoàn kiểm tra đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không lơ là, chủ quan. Đặc biệt, để ngăn chặn dịch lây lan ngay từ đầu, Đoàn đề nghị các đơn vị bố trí phòng cách ly tạm thời tại vị trí thuận lợi hơn; xây dựng kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định của pháp luật phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xuất cấp (không thu tiền) hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu phòng, chống dịch.
Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu được xuất cấp (không thu tiền) 100 tấn hóa chất (70 tấn hóa chất Chlorine 65% min và 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%) và 10.000 lít hóa chất Benkocid.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận và sử dụng số hóa chất nêu trên theo đúng quy định.
An Giang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn lối mở
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, hiện diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước hết sức phức tạp, nếu chủ quan, lơ là, không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ dịch xâm nhập vào An Giang là rất lớn.
Để phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh An Giang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn lối mở, quyết liệt ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Thời gian tới, An Giang tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng theo Nghị định 117/2020//NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tính đến ngày 27/5/2021, các địa phương trên địa bàn An Giang đã kiểm tra, xử phạt gần 13.600 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; trong đó nhắc nhở hơn 12.400 trường hợp, cảnh cáo 353 trường hợp và xử phạt 822 trường hợp với tổng số tiền 646 triệu đồng.
Ông Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: An Giang chuẩn bị tiếp nhận 26.000 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca theo phân bổ của Bộ Y tế, để tiếp tục tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Tỉnh đã tiếp nhận 19.400 liều vaccine phòng COVID-19 và ngành Y tế tỉnh đã triển khai tiêm vaccine cho 20.888 người thuộc các đối tượng ưu tiên.
Quảng Bình nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản ổn định và đang được kiểm soát. Ngày 28/5, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa tích cực phòng, chống dịch, bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/5, tỉnh Quảng Bình quyết định một số hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi như các hang động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường; suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, vườn Thực vật, thung lũng Hava, Công viên Ozo Treetop, thác Mơ, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, các di tích văn hóa - lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng; các điểm vui chơi giải trí, khu vui chơi trẻ em được hoạt động trở lại phục vụ khách nội tỉnh.
Cùng với đó, một số hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ hoạt động trở lại từ ngày 29/5 gồm sân tập golf, các câu lạc bộ, phòng tập thể dục - thể thao trong nhà, các hoạt động thể thao ngoài trời dưới 20 người (kể cả khán giả).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh gồm các rạp chiếu phim, tiệm game, tiệm Internet công cộng, karaoke, massage, quán bar, vũ trường và sân golf vẫn tiếp tục dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu không tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường (trừ các lớp học, ôn thi đối với các học sinh cuối cấp) cho đến khi có thông báo mới.
Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 29/5
Tối 28/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng thêm nhiều hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 29/5.
Theo đó, các loại hình hoạt động như các cơ sở chăm sóc sức khỏe; cơ sở vật lý trị liệu; spa; xông hơi; sân khấu ca nhạc; rạp chiếu phim; nhà hàng tiệc cưới; dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (bida, gym, yoga...)... phải tạm dừng hoạt động.
Các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh được khuyến khích chuyển sang hình thức trực tuyến. Việc tổ chức các đám hiếu hỷ, tiệc cần đơn giản, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K và không tập trung quá 20 người trong mọi trường hợp.
Các cơ sở kinh doanh ăn uống bình thường cũng hạn chế không phục vụ quá 20 người cùng lúc, khuyến khích bán hàng mang về hoặc mua bán trực tuyến, người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Các nhà hàng (kể cả trong khách sạn) phải tuân thủ và đảm bảo khoảng cách giữa các bàn ít nhất 2 m, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Các cuộc họp, làm việc tập trung không quá 30 người/phòng. Trường hợp cần thiết phải xin ý kiến lãnh đạo tỉnh xem xét quyết định.
Các đơn vị kinh doanh vận tải không được vận chuyển hành khách quá 50% số người theo thiết kế và tối đa 20 người/phương tiện. Xe phải trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách. Tại các khu vực bến xe, cảng... phải đảm bảo hành khách ngồi cách ghế, giữ khoảng cách an toàn./.