Nhiều tỉnh, thành phố tích cực triển khai Đề án 818 bằng nguồn kinh phí địa phương

Ngoài nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho Đề án/Kế hoạch, địa phương còn được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, nguồn xã hội hóa (người dân chi trả phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS), nguồn từ các dự án kết hợp khác…

Sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 về việc phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818) và Quyết định 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; Ban hành Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 818.

Bên cạnh đó, triển khai Mô hình thử nghiệm xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế đủ điều kiện; ban hành công văn hướng dẫn phân phối sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS thuộc Đề án xã hội hóa. Đồng thời, thành lập mạng lưới bán hàng từ tỉnh đến các xã trên địa bàn.

Nhiều tỉnh, thành phố chú trọng truyền thông về Ds-KHHGĐ. Ảnh minh họa

Nhiều tỉnh, thành phố chú trọng truyền thông về Ds-KHHGĐ. Ảnh minh họa

Về nguồn ngân sách thực hiện Đề án, theo báo cáo tổng kết 5 năm của Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục DS-KHHGĐ), trên thực tế, ngân sách đầu tư cho Đề án/Kế hoạch xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển cao hơn nhiều so với mức kinh phí được phê duyệt trong Đề án/Kế hoạch.

Cụ thể, ngoài nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho Đề án/Kế hoạch, địa phương còn được hỗ trợ từ: Nguồn ngân sách Trung ương, nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, nguồn xã hội hóa (người dân chi trả phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS), nguồn từ các dự án kết hợp khác…

Hiện có 23 tỉnh/thành phố bố trí ngân sách địa phương với hơn 47,3 tỷ đồng được phê duyệt trong Đề án/Kế hoạch, trong đó, tỉnh bố trí cao nhất là Đồng Nai với gần 9,1 tỷ đồng, tiếp đến là Bạc Liêu với gần 8,1 tỷ đồng, Hà Nội với hơn 4,5 tỷ đồng và tỉnh Bắc Giang bố trí thấp nhất cũng là 300 triệu đồng.

Cũng theo Ban Quản lý Đề án 818, rất nhiều tỉnh/thành phố mặc dù ở địa bàn miền núi, khó khăn nhưng vẫn xác định được tầm quan trọng của việc xã hội hóa, chẳng hạn như Hà Giang, Tuyên Quang là những tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã có kế hoạch bố trí hàng tỷ đồng để thực hiện Đề án.

Đặc biệt, mặc dù còn đang chờ phê duyệt Đề án, nhưng tỉnh Bạc Liêu cũng xác định số kinh phí cần đầu tư cho Đề án lên tới hơn 8 tỷ đồng. Đây là những số liệu cho thấy, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo ở nhiều tỉnh, thành phố về sự cần thiết của xã hội hóa trong công tác dân số, chăm sóc SKSS cho người dân.

Theo đó, một số tỉnh/thành phố rất tích cực triển khai Đề án, đặc biệt tự triển khai các hoạt động bằng nguồn kinh phí địa phương như:Lâm Đồng, Nghệ An, Gia Lai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Yên, Hà Giang, Hà Nội, Đăk Nông, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam, Hải Dương.

Các hoạt động mà các địa phương tự triển khai như: Thiết lập mạng lưới và nâng cao năng lực hệ thống phân phối sản phẩm xã hội hóa phương tiện tránh thai; tổ chức hội thảo các cấp từ thành phố tới quận/huyện/thị xã để triển khai kế hoạch xã hội hóa phương tiện tránh thai; tổ chức tập huấn cập nhật, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tư vấn sử dụng các chủng loại phương tiện tránh thai cho người cung ứng dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên thị trường và trong chương trình.

Cùng với đó, chủ động tổ chức hội thảo trên địa bàn thành phố và các quận/huyện/thị xã nhằm đánh giá tình hình xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS và dịch vụ KHHGĐ để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhieu-tinh-thanh-pho-tich-cuc-trien-khai-de-an-818-bang-nguon-kinh-phi-dia-phuong-17221120411111049.htm