Nhiều tổ chức tài chính nâng dự báo suy thoái kinh tế vì thuế quan

J.P.Morgan và hàng loạt các tổ chức tài chính lớn đã thay đổi các dự báo của họ về suy thoái và khả năng cắt giảm lãi suất của Fed khi tình trạng căng thẳng về thuế quan đe dọa làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nâng cảnh báo suy thoái kinh tế

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế đối với hàng chục quốc gia. Động thái này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ khi mà nhiều đối tác thương mại của Mỹ đã và tuyên bố sẽ trả đũa, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang và gây ra sự tàn phá cho thị trường tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, J.P.Morgan cho biết họ hiện thấy có 60% khả năng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm, tăng so với mức 40% chỉ trước đó ít ngày. "Các chính sách gây gián đoạn của Mỹ đã được công nhận là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng toàn cầu trong cả năm", định chế cho biết trong một lưu ý hôm 4/4, đồng thời nói thêm rằng chính sách thương mại của Mỹ đã trở nên kém thân thiện với doanh nghiệp hơn dự kiến. "Hiệu ứng ... có khả năng sẽ được khuếch đại thông qua việc trả đũa (thuế quan), sự sụt giảm trong tâm lý kinh doanh của Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng".

S&P Global cũng nâng xác suất về suy thoái kinh tế của Mỹ lên từ 30% đến 35%, từ mức 25% vào tháng 3.

Tuần trước, trước thông báo về mức thuế quan ngày 2/4, Goldman Sachs cũng đã nâng xác suất suy thoái kinh tế của Mỹ lên 35% từ mức 20%, lưu ý rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế không mạnh như những năm trước.

Trong khi HSBC cho biết hôm 4/4 rằng, "chỉ báo xác suất suy thoái ngụ ý trên thị trường chứng khoán của chúng tôi cho thấy cổ phiếu đã định giá (khoảng) 40% khả năng xảy ra suy thoái vào cuối năm nay".

Các tổ chức khác bao gồm Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management cũng cảnh báo, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn rơi vào suy thoái trong năm nay nếu các khoản thuế mới của Trump vẫn được áp dụng.

Cụ thể Barclays và UBS cảnh báo, nền kinh tế Mỹ có thể bước vào vùng suy thoái, trong khi các nhà phân tích khác dự báo tăng trưởng kinh tế nói chung trong khoảng từ 0,1% đến 1%.

Hạ triển vọng chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào tháng 11 sau khi Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ kỳ vọng vào các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên sau thông báo về thuế quan của Trump vào tháng 1, đã diễn ra 3 tháng đáng quên đối với các chỉ số chính của Phố Wall, trong đó S&P 500 đã giảm hơn 8% kể từ đầu năm.

Các công ty môi giới bao gồm Barclays, Goldman, RBC và Capital Economics đã cắt giảm mục tiêu cuối năm đối với cổ phiếu Mỹ, trong khi UBS hạ khuyến nghị của mình từ "hấp dẫn" xuống "trung lập".

Capital Economics cũng cắt giảm mục tiêu chỉ số của mình đối với S&P 500 xuống còn 5.500, mức thấp nhất trong số các công ty môi giới lớn, theo sát là 5.550 của RBC.

Fed có thể cắt giảm lãi suất mạnh hơn

Mặc dù thuế quan có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, một số nhà phân tích kỳ vọng điều này có thể tạo thêm dư địa cho Fed cắt giảm lãi suất thêm nữa để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

J.P.Morgan cho biết họ kỳ vọng cú sốc thuế quan sẽ được "giảm nhẹ" nhờ triển vọng cắt giảm lãi suất thêm nữa.

Goldman ước tính sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm, tăng so với kỳ vọng là 2 lần cắt giảm trước khi vòng thuế quan mới của Trump được công bố vào đầu tuần này.

Trong khi Nomura và RBC cũng nâng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lên tương ứng là 1 và 3 lần trong năm nay, so với kỳ vọng là không có lần nào trước đó.

Còn UBS dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ 75 đến 100 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2025; Citigroup thì nhắc lại dự báo sẽ cắt giảm 125 điểm cơ bản bắt đầu từ tháng 5; trong khi J.P.Morgan vẫn giữ nguyên kỳ vọng về 2 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản.

Theo dữ liệu do LSEG tổng hợp, hiện các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có 100 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất vào năm 2025.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-to-chuc-tai-chinh-nang-du-bao-suy-thoai-kinh-te-vi-thue-quan-162364.html