Nhiều trẻ phải chờ ghép gan
Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) có khoảng 70-80 trẻ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép. Số trẻ tử vong trong thời gian chờ đợi ghép gan khoảng 1-2 ca/ tháng
Trước thông tin phản ánh gần đây một số gia đình có con bị suy gan giai đoạn cuối điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) phải ra Hà Nội ghép gan, tại buổi họp báo chiều 22-5, lãnh đạo bệnh viện nhận trách nhiệm và cho biết bệnh viện không có chủ trương chuyển bệnh nhi sang cơ sở khác.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết việc chậm ghép gan cho trẻ có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, để ghép gan phải có sự hòa hợp về miễn dịch lựa chọn chứ không chỉ là cha mẹ cùng huyết thống cho. Thứ hai, trẻ phải đáp ứng phương pháp điều trị bởi một số trường hợp quá chỉ định ghép gan vì các bé đến viện trễ. Thứ ba, bệnh viện đang tiếp nhận chuyển giao nên phụ thuộc vào các bệnh viện đối tác để lấy phần gan của người lớn.
Bên cạnh đó, việc ghép tạng bị trì hoãn còn liên quan việc thiếu nguồn tạng để cấy ghép. Bởi nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình nhưng không phải ai cũng tìm được nguồn phù hợp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công tác hỗ trợ của các giáo sư quốc tế bị gián đoạn dẫn đến việc ghép gan bị đình trệ. Trước tình hình bệnh nhi suy gan mạn tính dần trở nặng, bệnh viện phải tìm giải pháp cứu sống các bé và cần hoàn chỉnh quy trình thực hiện ghép gan tự chủ. Bước đầu, bệnh viện được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược trong vấn đề lấy tạng người lớn.
Theo quy định, việc lấy tạng ở người lớn để ghép cho trẻ phải do bác sĩ của các bệnh viện người lớn, có chứng chỉ hành nghề phù hợp thực hiện. Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cử 3 bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài và có chứng chỉ phù hợp để thực hiện lấy tạng cả ở người lớn và trẻ em.
Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch, khi triển khai một ca ghép gan hay ghép thận thì một số bệnh lý khác bị gián đoạn lịch mổ như tim mạch, u não… Do 2 phòng ghép tạng là nơi phẫu thuật thường quy của bệnh tim, u não nên để không ảnh hưởng bệnh nhân khác cũng như nhiều bệnh nhân được ghép tạng hơn, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang lập đề án ghép tạng, cho phép bệnh viện độc lập lấy tạng cả người cho và người nhận. Bệnh viện cũng đã xây 2 phòng mổ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn mà đề án yêu cầu. Đề án nói trên đã được trình lên Sở Y tế TP HCM, dự kiến đầu tháng 6 sẽ thẩm định chất lượng.
"Khi đề án được thông qua, chúng tôi sẽ giải được bài toán khó nói trên. Hiện nay, bệnh viện đã hội chẩn cho 3 cặp ghép gan. Dự kiến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, khi đề án thông qua, các ca mổ sẽ được tiến hành ở phòng mổ mới với các tiêu chuẩn hiện đại nhất. Khi bệnh viện chủ động thực hiện ghép gan thì sẽ hướng tới tăng từ 2-3 ca/ tháng" - bác sĩ Thạch kỳ vọng.
Bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan - Mật tụy - Ghép gan Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trước đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có ký kết hợp tác về ghép gan với Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhưng đã hết hợp đồng từ tháng 10-2022. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ có công văn gửi Bệnh viện Đại học Y Dược hỗ trợ. Trong trường hợp nếu không ghép gan ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi có thể sang Bệnh viện Đại học Y Dược. Nhưng vì lý do khách quan, hiện ở phía Nam tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ. Vì vậy, nhiều gia đình phải đưa con ra Hà Nội ghép gan.
Nếu được ghép gan, tỉ lệ thành công sống sau 1 năm là 90%, 5 năm là trên 80%. Chi phí ghép gan khoảng 300-400 triệu đồng cho cả người cho và người nhận.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhieu-tre-phai-cho-ghep-gan-2023052221355725.htm