Nhiều trẻ tự kỷ mất cơ hội vàng điều trị vì cha mẹ tin vào 'bác sĩ Google'

Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4), Ban Chuyên đề Báo Nhân Dân tổ chức buổi tọa đàm 'Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?' vào ngày 28/3, tại trụ sở Báo Nhân Dân.

Nội dung chính của thảo luận nhằm chia sẻ thực trạng - thách thức và đưa ra những giải pháp cùng kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ, các vị khách mời đã chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu để trẻ tự kỷ hòa nhập tốt hơn, hướng tới tương lai sáng hơn.

Buổi tọa đám với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.

Buổi tọa đám với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Ông Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: "Mỗi trẻ em sinh ra đều có quyền được yêu thương, được học tập và phát triển. Trẻ tự kỷ không nằm ngoài điều đó. Các em không phải là gánh nặng, mà chính là một phần của xã hội chúng ta, những con người có tiềm năng, có khả năng đóng góp nếu được trao cơ hội phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ và gia đình vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, từ nhận thức xã hội, giáo dục đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ".

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia thảo luận, chia sẻ về thực trạng, thách thức và đưa ra những giải pháp, kiến nghị từ những góc nhìn, kinh nghiệm với mong muốn để trẻ tự kỷ có tương lai tươi sáng hơn.

Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt hơn

ThS. BS Nguyễn Mai Hương - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Trong báo cáo cuối năm 2024, Khoa Tâm thần tiếp đón trên 45 nghìn lượt trẻ đến khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% khám vì dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ. Như vậy, mỗi năm xấp xỉ 10 nghìn lượt trẻ khám tự kỷ. Đây là con số rất lớn".

ThS. BS Nguyễn Mai Hương phân tích thêm, hiện nay, nguyên nhân tự kỷ chưa được các nhà khoa học xác định rõ. Các nhà khoa học hiện nghiêng về yếu tố gene và có sự tương tác với môi trường.

"Chúng tôi luôn trao đổi với các gia đình rằng, các yếu tố về môi trường, gia đình chỉ làm nặng lên biểu hiện tự kỷ, chứ không phải nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ", ThS. BS Nguyễn Mai Hương nói.

Hiện tại, khi mạng xã hội phát triển, các mẹ có thể ở nhà tìm thông tin “bác sĩ google” để tìm hiểu về bệnh của con mình. Nhiều gia đình làm mẹo, không tin con mình có vấn đề, đến lúc trẻ 4-5 tuổi cho đi khám thì mất đi cơ hội vàng can thiệp.

Do vậy, khi cha mẹ thấy có có một vài biểu hiện, cần đưa trẻ đến khám ở tuổi càng nhỏ, trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp sớm, hiệu quả can thiệp cao, chi phí can thiệp và tác động tiêu cực đến trẻ và gia đình, xã hội sẽ giảm xuống.

Tăng cường bảo vệ và hỗ trợ trẻ tự kỷ

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hồng, đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho hay, trong thời gian vừa qua, cùng đơn vị liên quan, Cục Bà mẹ và Trẻ em đã tham mưu với Chính phủ để ban hành nhiều văn bản dành cho trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ em tự kỷ.

Đầu tiên, có thể kể đến Luật người khuyết tật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, cũng như các chính sách về giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cũng như bảo trợ xã hội.

Tiếp theo, trong Luật trẻ em có quy định trẻ em khuyết tật là một trong 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó là các nghị định hướng dẫn, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em khuyết tật và trẻ em tự kỷ.

Về lưu ý trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ, thứ nhất, cần bảo đảm đời sống riêng tư cho trẻ em khi mà nhiều trẻ em tự kỷ bị lộ hình ảnh trên mạng xã hội. Thứ hai, cần phòng, chống xâm hại trong quá trình can thiệp trị liệu, đặc biệt là đối với các bạn gái. Thứ ba, tránh để trẻ tự kỷ bị lợi dụng hình ảnh, tham gia các hoạt động trái pháp luật, hoạt động khiêu dâm…

Để quan tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ hơn nữa, ngành y tế cần tiếp tục hoàn thiện và tham mưu pháp luật chính sách về trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Nâng cao hoạt động truyền thông, nhận thức xã hội, đặc biệt đối với cha mẹ trong việc phát hiện và can thiệp sớm.

Cần mở rộng trợ cấp, nâng cao chính sách an sinh cho trẻ tự kỷ

Ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (trước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: "Chúng tôi luôn coi rằng trẻ em tự kỷ là dạng đặc biệt của đặc biệt. Các chuyên gia và nhà khoa học có thể hiểu rõ điều này".

Theo ông Nam, về góc độ chính sách, chúng ta có nhiều cải thiện, thậm chí có so sánh với các quốc gia khác. Phải nói rằng, chính sách của chúng ta, đặc biệt là về an sinh xã hội vẫn gắn với các đối tượng yếu thế, chủ yếu với các hộ nghèo, cận nghèo, vẫn gắn với các khu vực khó khăn về kinh tế xã hội, kém phát triển, vẫn gắn với đồng bào dân tộc thiểu số. Các trợ giúp xã hội chủ yếu vẫn giúp ở ngưỡng thấp để họ có mức sống không quá khó khăn. Đến lúc chúng ta cần phải phân định rõ trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội, điều này trong chính sách chưa quy định rõ.

Mặt bằng chính sách chung của Việt Nam về an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn và yếu thế, trong đó có trẻ khuyết tật chủ yếu vẫn là trợ giúp. Còn nếu trợ cấp xã hội thì phải bảo đảm cho họ có mức sống ít nhất phải ở mức trung bình.

Ông Nam cũng hy vọng rằng với tác động từ buổi tọa đàm hôm nay, các đối tượng trẻ em với khuyết tật ở phổ tự kỷ có thể được mở rộng trợ cấp, trợ giúp ở mức bao quát hơn. Đồng thời các bậc phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ hãy yên tâm vào chính sách, vào đường lối, vào sự ưu tiên trong các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Bên lề buổi tọa đàm, tại sảnh hội trường trưng bày các bức tranh của em Tạ Đức Bảo Nam, sinh năm 2011 mắc chứng bệnh rối loạn phát triển tự kỷ phổ cập từ lúc 17 tháng. Được chăm sóc, hướng nghiệp, phát hiện và bồi dưỡng tài năng hội họa, chỉ trong 2 tháng (từ 1/10/2024 đến 2/12/2024), Tạ Đức Bảo Nam đã say sưa vẽ được 82 bức tranh, trong đó 60 bức tranh về các cây cầu. Ngoài ra, các sản phẩm do trẻ tự kỷ tự làm cũng được trưng bày, minh chứng thuyết phục rằng nếu được quan tâm và hướng nghiệp phù hợp, các em có thể lao động, sáng tạo, tự lo được cuộc sống và xây dựng tương lai cho chính mình.

Khu vực trưng bày tranh của em Tạ Đức Bảo Nam.

Khu vực trưng bày tranh của em Tạ Đức Bảo Nam.

Bức thư của mẹ bé Bảo Nam, chị Bùi Thị Loan gửi con trai cũng được chia sẻ tại sự kiện, với những dòng đầy xúc động: "Những bức tranh con vẽ với nhũng người bình thường thì có thể rất bình thường nhưng với mẹ đó là kỳ tích, là niềm tự hào về con - họa sỹ của mẹ! Mẹ mong con có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục phát triển tài năng của mình, để sau này con có thể tự tìm một công việc tự nuôi sống bản thân khi không có mẹ ở bên nữa".

Cuộc tọa đàm là một sự kiện ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ, kết nối cộng đồng để cùng hỗ trợ trẻ tự kỷ và tìm ra giải pháp thiết thực giúp các em có cơ hội phát triển tốt nhất trong tương lai. Tự kỷ không phải là rào cản, mà là một hành trình cần sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mỗi trẻ tự kỷ đều có tiềm năng riêng và nhiệm vụ của chúng ta là mở ra cánh cửa cơ hội để các em phát triển theo cách của riêng mình.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-tre-tu-ky-mat-co-hoi-vang-dieu-tri-vi-cha-me-khong-cho-di-kham-som-ma-tin-vao-bac-si-google-169250328142251882.htm