Nhiều trẻ tử vong thương tâm vì đuối nước: Cảnh báo sự bất cẩn của người lớn

Chỉ trong 1 tháng qua, Khoa Điều trị tích cực nội khoa- Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận hơn 10 trẻ bị đuối nước, nhiều trường hợp tử vong rất thương tâm...Các bác sĩ cảnh báo các bậc cha mẹ đang thiếu kỹ năng quản lý trẻ, dẫn đến tai nạn ở trẻ em.

BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW cho biết chỉ riêng trong tháng 8 đã có 8 trẻ cùng có tình trạng này, tháng 9 mới bắt đầu nhưng đã có 2 trẻ ở tình trạng vô phương cứu chữa, gia đình xin về. Một bé khác là bé trai 13 tuổi ngã xuống ao sen ở Gia Lâm, Hà Nội hôm 3-9 nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời, hiện bé đã tự thở, có thể sớm được ra viện.

BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW chia sẻ với phóng viên về một số ca bệnh đuối nước thương tâm

BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW chia sẻ với phóng viên về một số ca bệnh đuối nước thương tâm

Bé 7 tuổi mới xin về hôm 6/9 là 1 trong 3 chị em ở Bắc Giang bị đuối nước khi đi chơi lễ cùng gia đình. Sau khi các cháu ngã xuống nước, được cứu lên, các cháu đã được ép tim và tim đã đập trở lại, nhưng do thời gian rơi xuống nước dài, thiếu oxy nên 1 cháu tử vong ngay, 1 cháu tử vong tại bệnh viện ở quê nhà và 1 cháu gia đình vừa xin về

“Thực sự đây là câu chuyện quá thương tâm và đáng tiếc. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng không thể cứu được cháu”- BS Dũng chia sẻ.

Trường hợp khác là bé trai 8 tuổi ở Lào Cai, được chú dẫn đi nghỉ dưỡng. Khi đến resort, chú cho cháu cùng con trai 4 tuổi xuống ô tô trước đi gửi xe. Khi quay lại, người chú không thấy cháu đâu, khi hỏi con trai, cậu bé liền chỉ tay xuống khu vực hồ bơi.

Khi chạy lại, bé trai đã chìm dưới đáy hồ, cháu bé sau đó được chuyển xuống Hà Nội điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.

May mắn hơn những trường hợp trên, cháu K.T.T. (13 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội), điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đã tỉnh táo, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt sau khi bị đuối nước. Mẹ của cháu T. kể lại, chiều 3/9, cháu đi ra ao sen chơi và gặp bạn. Dù không biết bơi nhưng hai đứa trẻ vẫn “vô tư” nhảy xuống ao và bị đuối nước.

“Không biết con tôi bị chìm bao lâu nhưng lúc đó nghe tiếng hô hoán, có một người chuyên mò ba ba đi qua nên đã nhảy xuống và vớt được cháu lên. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời, chắc con tôi không qua khỏi” - mẹ của cháu T. vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai nạn bất ngờ của con trai.

Cũng theo BS Dũng, khi xem xét lại các tình huống dẫn đến tai nạn gần đây ở trẻ em cho thấy các gia đình đang thiếu kỹ năng chăm sóc, quản lý trẻ, sơ cứu khi xảy ra tai nạn. Một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch thì người lớn túm tụm lại nói chuyện hay tập trung vào điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Do vậy, người lớn sát sao, để ý đến trẻ, hoàn toàn có thể tránh được tai nạn đáng tiếc.

“Người lớn luôn phải đặt ra những nguy cơ xấu nhất để từ đó đề phòng và trông chừng trẻ, bởi trẻ em rất hiếu động, chưa thể tự bảo vệ mình khỏi những tai nạn như đuối nước” - BS Dũng nhấn mạnh.

Một trẻ bị đuối nước may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Nhi TW

Một trẻ bị đuối nước may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Nhi TW

BS Trọng Dũng cho biết, với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Vì thế việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, dù đã được truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi TW được sơ cứu đúng cách.

“Một nửa trường hợp còn lại vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ”- BS Dũng cảnh báo.

Cách cấp cứu đúng là ngay khi vớt trẻ lên, cần đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt.

Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần, với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ.

Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực.

Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-tre-tu-vong-thuong-tam-vi-duoi-nuoc-canh-bao-su-bat-can-cua-nguoi-lon-n179981.html