Nhiều trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh
Nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần,… nguyên nhân đa phần là do sự bất cẩn của người lớn.
Liên tiếp các ca cấp cứu do trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất,..
Cuối tháng 2 vừa qua, bé gái H.T (3 tuổi ở Hà Nam) phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái.
BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước khi vào viện, trẻ đã ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng về sử dụng chưa kịp uống. Chỉ khi trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình mới phát hiện và cho trẻ đi cấp cứu.
Được biết, loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ đều không rõ ràng, đang được bán trôi nổi trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Cùng thời gian này, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng đã tiếp nhận điều trị kịp thời cho một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc do trẻ tự đặt mua trên trang thương mại điện tử, sau uống trẻ xuất hiện nôn nhiều, chóng mặt, gia đình mới phát hiện và đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan,… dẫn đến tử vong.
“Dù là thuốc cần được kiểm soát, nhưng hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Người có nhu cầu, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm với đủ các mức giá, xuất xứ khác nhau và có thể mua đơn giản vì không kiểm định đối tượng mua hàng, không kiểm soát đối tượng bán hàng… Điều đáng chú ý ở đây, Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã được cấm lưu hành nhiều năm nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay. Việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc có thể vô ý, tự tử hoặc đầu độc”– bác sĩ Hùng cho hay.
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 3 chị em cùng trong một gia đình (cháu N.H.A (8 tuổi), cháu N.T.H.P (13 tuổi) và cháu N.G.B. (hơn 5 tuổi) trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhập viện nguy kịch do uống nhầm thuốc Amitriptyline điều trị bệnh trầm cảm của người lớn để trong nhà. Sau khi uống, cả 3 bé rơi vào tình trạng hôn mê, co giật… gia đình đã vận chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.
Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, loại thuốc Amitriptyline mà các bệnh nhi uống nhầm là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, thuốc có liều độc nguy hiểm khi hàm lượng vượt quá 10mg/kg do tác dụng độc trên tim mạch và hệ thần kinh trung ương gây ra các biến chứng nặng nề.
Hầu hết, ngộ độc thuốc chống trầm cảm 3 vòng là ngộ độc cấp tính, trên lâm sàng là rất khó tiên lượng, có thể chuyển biến nguy kịch rất nhanh chỉ trong vài giờ sau khi được đưa đến cấp cứu và có thể gây tử vong do loạn nhịp tim, hạ huyết áp hoặc không kiểm soát được các cơn co giật.
Khuyến cáo cách phòng tránh
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc.
Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi và sinh hoạt.
Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.