Nhiều trường chuẩn quốc gia đối mặt với nguy cơ 'rớt chuẩn'

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn, thậm chí nhiều trường đang đối mặt với nguy cơ 'rớt chuẩn', mà nguyên nhân chủ yếu là cơ sở vật chất không đảm bảo.

Trường Tiểu học số 3 Võ Lao, thôn Chiềng 3, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2016. “Theo quy định, năm học 2020 - 2021 vừa qua, nhà trường đến kỳ kiểm định lại các tiêu chí để được công nhận duy trì đạt chuẩn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Trường Tiểu học số 3 Võ Lao vẫn chưa thể đảm bảo đủ các điều kiện để được đánh giá lại. Nguyên nhân là do theo Thông tư 13/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 32 ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhà trường chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiếu các phòng học chức năng như phòng thiết bị, âm nhạc, y tế, phòng chờ giáo viên... Diện tích các phòng hiện có cũng chưa đảm bảo yêu cầu” - thầy giáo Nguyễn Đức Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Võ Lao cho biết.

Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đạt chuẩn.

Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đạt chuẩn.

Trường Tiểu học số 3 Võ Lao hiện có 231 học sinh/10 lớp, với 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 16 giáo viên đứng lớp. Về nhân lực, nhà trường đang thiếu nhân viên y tế và thư viện. Khuôn viên nhà trường tương đối rộng (5.000 m2), nhưng địa hình bị phân tầng nên không thuận tiện cho việc tập trung học sinh cho các hoạt động tập thể. Hơn nữa, phân hiệu Chiềng, Trường Mầm non số 1 Võ Lao đang học nhờ địa điểm tại khuôn viên Trường Tiểu học số 3 Võ Lao. Điều này, cũng ảnh hưởng tới hoạt động học tập và sinh hoạt của học sinh cả 2 cấp học.

Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tham mưu, đề xuất với huyện về việc được đầu tư xây thêm phòng học đáp ứng yêu cầu được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I theo quy định mới, cũng như đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Theo đó, trường cần được đầu tư xây thêm 1 dãy nhà 2 tầng, với 8 - 9 phòng học. Phương án đã được trình và đang chờ được duyệt để có kinh phí thực hiện. Điều đó đồng nghĩa trước thềm năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học số 3 Võ Lao vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận lại và là một trong những trường đang có nguy cơ “rớt chuẩn”.

Trường Tiểu học số 3 Võ Lao là 1 trong 28 trường học (5 trường mầm non, 16 trường tiểu học và 7 trường THCS) trên địa bàn huyện Văn Bàn đến thời điểm cần được đánh giá lại để đề nghị công nhận duy trì trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo rà soát chỉ có khoảng 10 - 12 trường đủ điều kiện được công nhận lại theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thiếu phòng học là nguyên nhân lớn nhất khiến Trường Tiểu học số 3 Võ Lao có nguy cơ “rớt chuẩn”.

Thiếu phòng học là nguyên nhân lớn nhất khiến Trường Tiểu học số 3 Võ Lao có nguy cơ “rớt chuẩn”.

Theo ông Bùi Văn Huấn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn, những trường có nguy cơ mất chuẩn tập trung vào 2 nguyên nhân chính, đó là cơ sở vật chất chưa đảm bảo (thiếu phòng học chức năng/phòng học bộ môn, diện tích phòng học không đảm bảo, thiếu trang - thiết bị dạy và học) và thiếu nhân lực (tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định). Hiện ở cấp mầm non, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,89, trong khi theo quy định mới là 2 - 2,2 giáo viên/lớp; ở cấp tiểu học, tỷ lệ này là 1,4 giáo viên/lớp, trong khi theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp; ở cấp THCS, tỷ lệ là 1,89 giáo viên/lớp, trong khi theo quy định phải là 1,9 - 2,2 giáo viên/lớp. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã tham mưu với các cấp, các ngành để được tuyển dụng thêm nhân lực. Tuy nhiên, kỳ tuyển dụng gần đây nhất, dù đã được gia hạn tới 20/7, nhưng huyện mới nhận được 14 hồ sơ dự tuyển, trong khi chỉ tiêu được tuyển dụng là 38 người.

Cũng như Văn Bàn, một số trường trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng đang đối mặt với nguy cơ “rớt chuẩn”, mà nguyên nhân cơ bản là cơ sở vật chất không đảm bảo. Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Theo quy định, trước năm học 2022 - 2023, trên địa bàn thị xã có 9 trường đạt chuẩn quốc gia đến kỳ phải kiểm định lại. Qua rà soát có 4 trường: Tiểu học Hàm Rồng, Tiểu học Sa Pả, Tiểu học Tả Phìn và Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải có nguy cơ “rớt chuẩn”. Cả 4 trường này hiện thiếu 24 phòng học và phòng chức năng, chưa kể thiếu phòng ở bán trú. “Phòng học còn chưa đủ nói gì đến việc đủ các phòng học chức năng theo quy định của Thông tư 13. Bây giờ, việc quan trọng nhất là bằng mọi giá phải đảm bảo đủ phòng học cho học sinh trong năm học mới” - ông Chinh trải lòng.

Chia sẻ về nỗi lo “rớt chuẩn”, cô giáo Nguyễn Thị The, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải cho biết: Theo lộ trình, năm học 2022 -2023 sẽ đưa toàn bộ học sinh lớp 3 từ điểm trường lẻ về điểm trường chính, như vậy số học sinh tại điểm trường chính là 538 học sinh. Trong khi đó, trường chỉ có 14 phòng học, nhưng thực tế chỉ còn 13 phòng học, do 1 phòng bị nứt và thủng tường từ năm học trước vẫn chưa được sửa chữa. Như vậy, phải “nhét” 41,3 học sinh vào 1 lớp, trong khi theo Thông tư 13 thì số học sinh/lớp là 30 - 35 học sinh. Chỗ học thì như vậy, chỗ ở của học sinh bán trú còn khủng khiếp hơn, khi có tới 27 học sinh/phòng. Bi đát hơn, công trình vệ sinh duy nhất cho cả trường đã bị sập từ năm học trước, nhưng đến bây giờ, khi năm học mới 2022 - 2023 đã cận kề, vẫn chưa có phương án xây mới. Trong năm học 2021 - 2022, giải pháp bất đắc dĩ được nhà trường đưa ra là toàn bộ học sinh khi có nhu cầu thì sử dụng nhà vệ sinh của các phòng bán trú; còn giáo viên sử dụng chung nhà vệ sinh của phòng làm việc của Phó Hiệu trưởng (phòng làm việc này được trưng dụng từ phòng ở của học sinh bán trú).

Kho tổng hợp của Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải sẽ được nâng cấp thành phòng học.

Kho tổng hợp của Trường Phổ thông bán trú Tiểu học Trung Chải sẽ được nâng cấp thành phòng học.

Qua trao đổi với Phó Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được biết: Năm học mới, trường cần 18 phòng học, do thiếu 5 phòng học nên Ban Giám hiệu có chủ trương chuyển toàn bộ phòng chức năng hiện có làm phòng học, thậm chí sẽ cơi nới kho tổng hợp tại khu bếp ăn bán trú làm phòng học. Cùng với đó, trả phòng làm việc của Phó Hiệu trưởng để có thêm phòng ở cho học sinh bán trú. “Điều đó có nghĩa, các thầy cô giáo sẽ phải sử dụng lớp học để trực bán trú, còn vệ sinh cá nhân ở đâu thì vẫn chưa biết. Những yêu cầu tối thiểu cho dạy và học, sinh hoạt của giáo viên và học sinh đều không đảm bảo, nên việc duy trì chuẩn sẽ càng khó khăn”, cô The phân trần.

Trước những khó khăn của các trường trên địa bàn thị xã Sa Pa đang gặp phải, ông Nguyễn Trường Chinh cho biết: UBND thị xã đã trình Thường trực Thị ủy xem xét giao danh mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đối với các trường duy trì đạt chuẩn và công nhận đạt chuẩn quốc gia năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn phụ thuộc vào nguồn lực và thời gian thực hiện không thể một sớm một chiều, nên một số trường đến kỳ kiểm định chắc chắn không đạt tiêu chí để công nhận duy trì đạt chuẩn quốc gia.

Không chỉ Văn Bàn, Sa Pa, mà hầu hết các địa phương còn lại cũng gặp khó khăn trong việc duy trì các trường học đạt chuẩn quốc gia. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có 390 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 64,78%), trong đó 28 trường phải đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, đội ngũ mới đủ tiêu chí công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, nếu không khẩn trương có những giải pháp cụ thể, thì nguy cơ “rớt chuẩn” là không tránh khỏi.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359661-nhieu-truong-chuan-quoc-gia-doi-mat-voi-nguy-co-rot-chuan