Nhiều trường Đại học bị xử phạt do sai phạm trong tuyển sinh
Đáng chú ý, có những trường trong vòng 3 năm mở mới 27 ngành. Từ đó, cũng nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định.
Xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng
Thông tin trên báo Thanh Niên, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, 95 lượt cơ sở giáo dục Đại học đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng do vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Đây là số liệu về vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo do thanh tra Bộ GD&ĐT thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD&ĐT, được tổ chức tuần qua tại Tp.HCM.
Theo Bộ GD&ĐT, số lượng này tăng đột biến so với năm 2021 (có 28 quyết định xử phạt).
Các sai phạm thể hiện ở nhiều mảng hoạt động, lĩnh vực trong công tác giáo dục, nhưng tập trung nhiều trong công tác tuyển sinh, mở ngành.
Cụ thể, qua công tác thanh tra của Bộ GD&ĐT cho thấy, các trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Hội đồng trường chưa kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính; vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.
Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...
Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, nhất là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.
Thống kê cho thấy, trong 6 năm thực hiện tự chủ đại học đã có 1.194 ngành được mở mới. Đáng chú ý, có những trường trong vòng 3 năm mở mới 27 ngành. Từ đó, cũng nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định.
Các trường cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay: Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Về phía cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị cần hoàn thiện thể chế nội bộ; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐTo về tuyển sinh, đào tạo, cũng như cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra để có đủ lực lượng thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; hoạt động liên kết đào tạo hay việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách...
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường đại học do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định.
Đặc biệt, trong diện này có 2 tên tuổi trường công nổi tiếng là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, theo báo Dân Trí.
Trúc Chi (t/h)