Nhiều trường đại học công bố tuyển sinh đại học 2024 bằng học bạ

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước công bố áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THPT.

Năm 2024, Trường Đại học Y tế công cộng tuyển sinh 785 chỉ tiêu cùng với 4 phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng.

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước công bố áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THPT.

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước công bố áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THPT.

Nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ) đối với các ngành: Y tế công cộng; Dinh dưỡng; Công tác xã hội; Kỹ thuật phục hồi chức năng; Khoa học dữ liệu.

Trường Đại học Giao thông - Vận tải duy trì phương thức xét tuyển học bạ THPT. Phương thức này được áp dụng với hầu hết các ngành.

Thí sinh dùng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) thay thế cho điểm học bạ môn tiếng Anh và được quy đổi theo quy định của nhà trường.

Đại diện Trường Đại học Ngoại thương cho biết, năm nay nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023 với 6 phương thức xét tuyển.

Trong đó, trường xét học bạ THPT với 3 nhóm thí sinh: tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Bên cạnh một số trường không tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ thì năm nay có nhiều trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển này. Như vậy, thí sinh không nên quá lo lắng về việc sẽ bị giảm cơ hội tham gia xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức.

Thực tế, với xu hướng đa dạng phương thức tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã bổ sung nhiều phương thức xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tuy nhiên, xét về tổng thể, phương thức xét tuyển có sử dụng học bạ vẫn là phương thức được nhiều trường lựa chọn.

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý có một số trường yêu cầu điều kiện kèm theo việc xét tuyển học bạ. Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu điều kiện đăng ký xét tuyển học bạ THPT đối với các ngành đào tạo giáo viên là thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên.

Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh phải có sức khỏe tốt, thí sinh mắc tật khúc xạ cận hoặc viễn thị không quá 3dp; không có dị tật bẩm sinh, hình xăm phản cảm. Nam cao từ 1,60m trở lên; nữ cao từ 1,55m trở lên.

Trường Đại học Thương Mại cũng dành chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển, đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT từ các trường chuyên trọng điểm trên toàn quốc.

Trường Đại học Gia Định (TP.HCM) đã mở cổng xét tuyển học bạ THPT để thí sinh có thể ứng tuyển. Đây là phương thức xét tuyển chính của Trường.

Năm nay, trường này dự kiến tuyển hơn 2 nghìn sinh viên; trong đó dự kiến dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ xét học bạ. Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên có thể tham gia xét tuyển.

Từ ngày 6/1, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) mở đăng ký xét học bạ đợt 1 cho 36 ngành đào tạo. Thí sinh có thể lựa chọn xét 3 học kỳ hoặc tổ hợp điểm ba môn lớp 12 với tổng điểm từ 18 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).

Theo thông báo của Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, phương thức xét tuyển học bạ THPT được nhà trường thực hiện thành 6 đợt, kéo dài đến 30/11/2024.

Với phương thức xét học bạ THPT, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng 2 cách: Xét điểm trung bình ba học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và xét theo tổng điểm học bạ lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển.

Với phương thức xét tuyển này theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả học tập ở bậc THPT là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập… của thí sinh.

Về chính sách học phí đại học, từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định một số chuyên ngành khối Sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học.

Cụ thể, Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;

Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Bên cạnh đó, một số ngành sinh viên được giảm 70% học phí gồm: Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc.

Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động -

Đối với khối ngành sư phạm, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

Tuy nhiên, muốn được hỗ trợ, sinh viên phải thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng, nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cùng các hồ sơ liên quan. Hồ sơ của sinh viên phải đáp ứng điều kiện của địa phương và được địa phương xét chọn.

Đối với sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đã nộp đơn và các hồ sơ liên quan nhưng hồ sơ không đáp ứng điều kiện của địa phương và không được địa phương xét chọn, nếu đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục thì cơ sở đào tạo giáo viên sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng và sẽ lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính.

Cơ quan tài chính sẽ bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên được cấp cho trường theo hình thức giao dự toán theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-truong-dai-hoc-cong-bo-tuyen-sinh-dai-hoc-2024-bang-hoc-ba-d208941.html