Nhiều trường đại học nằm trong vành đai 1, sinh viên nói gì trước việc cấm xe máy xăng?

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, quy định cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là một quyết sách mạnh mẽ vì môi trường, nhưng cũng tạo ra thách thức lớn về di chuyển và tài chính cho hàng chục nghìn sinh viên đang sinh sống, học tập tại đây. Thủ đô Hà Nội cần sớm có các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là những đối tượng có thu nhập còn hạn chế như sinh viên, để đảm bảo một quá trình chuyển đổi xanh bền vững và hiệu quả.

Theo chỉ thị ban hành ngày 12/7/2025 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Hà Nội được yêu cầu triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Những trường đại học, cao đẳng nào nằm trong Vành đai 1?

Vành đai 1 là tuyến giao thông khép kín dài khoảng 7,2 km, kết nối khu vực trung tâm Hà Nội qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Toàn tuyến được tạo thành từ một chuỗi các con đường nối liền nhau: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Cầu Giấy - Đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

 Khu vực Vành đai 1 tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng. (Ảnh: Thu Trang)

Khu vực Vành đai 1 tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng. (Ảnh: Thu Trang)

Trường Đại học Dược Hà Nội; Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN; Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Học viện Tài chính - Viện Đào tạo Quốc tế; Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Trường Đại học RMIT; Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội...

Ngoài ra, nằm trên và ngay sát Vành đai 1, sinh viên của các trường sau cũng sẽ chịu tác động: Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Y Hà Nội; Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Thủy lợi,...

Xe máy xăng vẫn là phương tiện di chuyển chính của phần lớn sinh viên, thông tin lệnh cấm tại Vành đai 1 sẽ có hiệu lực trong chưa đầy một năm nữa đang khiến nhiều sinh viên băn khoăn. Lan Anh, sinh viên năm 2 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chia sẻ: "Sinh viên chúng mình sẵn sàng thay đổi vì một môi trường xanh sạch hơn. Tuy nhiên, chúng mình rất cần thành phố hỗ trợ về chính sách và hạ tầng, vì không phải ai cũng có điều kiện như nhau. Mình lo ngại nhất là xe máy điện hiện nay cũng còn nhiều bất tiện như sạc lâu, không di chuyển được xa, giá xe điện cũng không hề rẻ và hệ thống trạm sạc, gửi xe chưa nhiều."

Cùng đồng tình với quan điểm trên, Minh Hòa (sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: "Mình ở trọ trong Vành đai 1 nhưng trường học lại ở bên ngoài. Lộ trình này đặt mình đứng trước hai lựa chọn: hoặc là phải bán chiếc xe máy xăng hiện tại để dồn tiền mua một chiếc xe điện mới, hoặc là phải tìm một nơi gửi xe ở rìa khu vực cấm để mỗi ngày đạp xe ra đó rồi mới lấy xe máy đi tiếp, rất bất tiện và các bạn sinh viên khác muốn vào trung tâm đi làm thêm, đi chơi cũng sẽ phải đối mặt với sự bất tiện tương tự. Bên cạnh đó, mình còn lo xa là giá nhà trọ tăng khi sau này các bạn sẽ ồ ạt thuê gần trường để đi xe đạp, đi bộ đến trường."

Trước thềm áp dụng lệnh cấm xe máy xăng tại Vành đai 1, có một số vấn đề cần có lời giải đồng bộ và khẩn trương:

Chi phí để chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là một rào cản lớn, đặc biệt với các đối tượng có thu nhập thấp và sinh viên. Cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể để giảm gánh nặng cho người dân.

Mạng lưới trạm sạc hiện tại còn thưa thớt và chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc quy hoạch, xây dựng hàng loạt trạm sạc công cộng, đặc biệt là các trạm sạc nhanh, tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, và khu dân cư là yêu cầu cấp thiết.

Sẽ phát sinh nhu cầu gửi xe máy, ô tô chạy xăng khổng lồ tại các khu vực rìa Vành đai 1 và các vành đai khác trong tương lai. Thành phố cần nhanh chóng quy hoạch các bãi đỗ xe quy mô lớn để tránh gây quá tải và hỗn loạn giao thông tại các cửa ngõ vào khu vực cấm.

Việc hàng triệu phương tiện cùng sạc vào giờ cao điểm sẽ tạo áp lực lớn lên lưới điện. Cần có phương án đảm bảo an ninh năng lượng.

Để người dân từ bỏ xe cá nhân, hệ thống giao thông công cộng: xe buýt, metro phải được tăng cường tần suất, mở rộng mạng lưới và cải thiện chất lượng dịch vụ để trở thành một phương án thay thế thực sự tiện lợi và đáng tin cậy.

Với số lượng có thể lên tới hàng triệu xe máy cần chuyển đổi, việc thành phố sớm ban hành chính sách hỗ trợ người dân là yêu cầu cấp bách. Việc chuyển đổi không chỉ là thay thế một phương tiện, mà còn liên quan đến thói quen sinh hoạt, khả năng tài chính và sự đồng bộ của hạ tầng đô thị.

Lê Vượng - Trâm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-truong-dai-hoc-nam-trong-vanh-dai-1-sinh-vien-noi-gi-truoc-viec-cam-xe-may-xang-post1759885.tpo