Nhiều trường đại học xác định chỉ tiêu đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận thực tế, việc xác định chỉ tiêu đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự phù hợp với nhu cầu nhân lực.

Theo phản ánh hiện nay, nước ta đào tạo ra nhiều kỹ sư, cử nhân nhưng nhu cầu sử dụng lại ít; nhiều người tốt nghiệp đại học ra trường làm không đúng ngành nghề gây lãng phí, bức xúc cho xã hội. Nhiều trường dân lập thi nhau tuyển sinh để đào tạo thu học phí, nhưng sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trả lời như sau:

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.

Thực tế, việc xác định chỉ tiêu đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự phù hợp với nhu cầu nhân lực. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai một số giải pháp sau:

Về số lượng:

Với những ngành trọng yếu (sư phạm, sức khỏe), Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố hoặc Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo;

 Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Với những ngành còn lại, các cơ sở giáo dục đại học phải khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo (Điều 6 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để cộng đồng tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, chọn ngành cho con em theo học;

Giao Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển kênh khảo sát độc lập về số lượng và chất lượng giáo dục đại học, từ đó có cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ đạo sát hơn về những vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục đại học.

Về chất lượng:

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học để các cơ sở giáo dục đại học tự do thúc đẩy học thuật và nghiên cứu khoa học;

Mỗi năm lãng phí khoảng 2.500 tỷ đồng vì sinh viên ra trường thất nghiệp

Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, hoàn thiện khung trình độ quốc gia tiến tới tham chiếu khung trình độ với các nước trong khối ASEAN, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các khối ngành;

Thúc đẩy quan hệ hợp tác đại học - doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, giúp sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng tiếp cận với công việc;

Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thông qua việc xây dựng các đề án;

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp tốt hơn cho các vấn đề của giáo dục đại học, như: “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” hay “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam”.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.

Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề cử tri quan tâm, các Bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc quy định này của Luật và công khai nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để ngành Giáo dục có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học về hoạt động tuyển sinh theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm sớm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Linh Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-truong-dai-hoc-xac-dinh-chi-tieu-dao-tao-chua-phu-hop-voi-nhu-cau-nhan-luc-post216113.gd