Nhiều trường ĐH dự kiến tăng chỉ tiêu, mở ngành mới thuộc khối ngành sức khỏe
Trong kỳ tuyển sinh năm 2025, nhiều trường ĐH dự kiến tăng chỉ tiêu, mở ngành mới thuộc khối ngành sức khỏe, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại nhiều cơ sở y tế.
Năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước dự kiến mở thêm các ngành học mới thuộc khối ngành sức khỏe. Những chương trình đào tạo này không chỉ mở ra cơ hội học tập đa dạng cho sinh viên, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực của ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trường Đại học Y Hà Nội là một trong số những trường đại học công bố thông tin dự kiến mở ngành mới trong kỳ tuyển sinh năm 2025. Cụ thể, nhà trường mở hai ngành mới bao gồm ngành Kỹ thuật hình ảnh y học và Công tác xã hội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng ngành y tế, Chính phủ đã dành 2.347,4 tỷ đồng để thực hiện đề án theo Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020.
Trong Đề án này, nghề Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế được coi là một phần quan trọng. Công việc này cũng vô cùng cấp thiết tại các bệnh viện hiện nay.
Trong các bệnh viện, nhân viên công tác xã hội không chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh, mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng dịch vụ; nhân viên công tác xã hội đóng vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người dân yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế”.
Nhận thấy sự cấp thiết của ngành nghề này trong lĩnh vực y tế, Trường Đại học Y Hà Nội đã xây dựng đề án mở ngành Công tác xã hội, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các cơ sở y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng nhận định: "Người bệnh không chỉ cần sự can thiệp y tế, mà còn cần được hỗ trợ về tâm lý và giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp. Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, với trình độ chuyên môn cao để đáp ứng những yêu cầu đa dạng của cộng đồng. Vì vậy, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến đào tạo ngành Công tác xã hội trình độ đại học để đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của xã hội.
Hiện tại, một số bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội đã phát triển mô hình công tác xã hội trong y tế. Tuy nhiên, tại một số địa phương khác, chẳng hạn như ở Phú Yên, các bệnh viện đã có người làm công tác xã hội, nhưng chủ yếu là nhân viên y tế kiêm nhiệm hướng dẫn người bệnh. Vì vậy, nhân lực được đào tạo đúng ngành vô cùng cần thiết".
Vị phó giáo sư cho biết thêm, theo Bộ Y tế, hiện đã có một số bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai mô hình Phòng Công tác xã hội, kết quả ban đầu đạt được rất thiết thực. Tại Bệnh viện Bình Dân, qua khảo sát, mức độ hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh đã tăng từ 25% (năm 2009) lên 95% (năm 2011).
Dự kiến, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ tuyển sinh ngành Công tác xã hội bằng 3 tổ hợp gồm: B00 (Toán học, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán học, Tiếng Anh, Sinh học), D01 (Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Ngoài ra, nhà trường dự kiến đăng ký số lượng chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy trong 3 năm đầu từ năm 2025 sẽ là 60 chỉ tiêu/năm cho ngành Công tác xã hội.
Về ngành Kỹ thuật hình ảnh y học, đây là một lĩnh vực quan trọng trong y học hiện đại, giúp bác sĩ biết được hình thái và cấu trúc trong cơ thể. Từ nhu cầu cao của nhân lực ngành y tế chất lượng cao, Trường Đại học Y Hà Nội quyết định đào tạo thêm ngành này.
Chuẩn bị các yếu tố về cơ sở hạ tầng, giảng viên và chương trình để đảm bảo chất lượng đào tạo cho các ngành mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng chia sẻ: “Trường Đại học Y Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đạt quy chuẩn và có nhiều kinh nghiệm đảm nhận giảng dạy 100% các môn học chung, các môn học/học phần khoa học cơ bản.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) có đội ngũ giảng viên có năng lực tốt, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy cho sinh viên đại học. Đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng chịu trách nhiệm giảng dạy các môn học/học phần thuộc lĩnh vực ngành và chuyên ngành Công tác xã hội và đủ năng lực đảm nhận giảng dạy toàn bộ khối lượng chương trình đào tạo”.
Bên cạnh đó, vị phó giáo sư cho biết, về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, Trường Đại học Y Hà Nội tại cơ sở 1 (số 1, đường Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện có 56 phòng nghiên cứu thí nghiệm, 84 phòng thực hành, 1 nhà tập đa năng, 1 hội trường, 95 phòng học, 7 phòng học đa phương tiện, 372 văn phòng bộ môn và 13 phòng chức năng khác.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “Sinh viên ngành Công tác xã hội sẽ được thực hành tại các cơ sở thực hành của trường và phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội…”.
Năm học 2024 - 2025, học phí Trường Đại học Y Hà Nội đối với sinh viên học trong giờ hành chính là 40 triệu đồng/năm học/sinh viên. Sinh viên học ngoài giờ hành chính sẽ đóng mức học phí là 45 triệu đồng/năm học/sinh viên. Lộ trình dự kiến tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP; Nghị định 97/2023/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng xác nhận dự kiến mở 6 ngành mới trong kỳ tuyển sinh năm 2025, trong đó có ngành Y khoa, (các ngành còn lại là: Thương mại điện tử, Tài chính Ngân hàng, Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa).
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Năm 2024, trường tuyển sinh 15 ngành, trong đó, ngành duy nhất thuộc khối ngành sức khỏe là ngành Dược học.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến mở thêm ngành Y khoa, với mức học phí là 2,6 triệu đồng/tín chỉ, tổng toàn khóa có 150 tín chỉ. Mức học phí của các năm tiếp theo có thể thay đổi nhưng không tăng quá 7% so với mức học phí chuẩn.
Chia sẻ về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chưa có trường đại học nào đào tạo ngành Y khoa. Chí vì vậy, chúng tôi rất cố gắng để đủ điều kiện mở ngành học này, phục vụ nhu cầu học tập và nhu cầu nhân lực y tế trong khu vực.
Việc mở ngành mới của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông được đánh giá và phân tích kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố về nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai của tỉnh Đồng Nai, khu vực Đông Nam bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.
Trong đó, trường xem xét kỹ về quy hoạch và định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh, vùng; khả năng đáp ứng sẵn có của các trường đại học trong khu vực; khả năng đáp ứng về các nguồn lực của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông khi mở ngành về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trải nghiệm và kết nối doanh nghiệp, điều kiện thực hành - thực tập”.
Ngoài ra, trường cũng đánh giá đến điểm mạnh, sự khác biệt trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông khi mở các ngành mới: “Tôi tin rằng, với sự phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu của tổ chức tuyển dụng, dự báo nguồn nhân lực và đơn vị đào tạo, việc mở ngành mới có cơ sở khoa học và thực tiễn, sẽ đảm bảo việc làm và khả năng phát triển sự nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp”.
Chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành mới, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông khẳng định, đã đảm bảo từ ‘đạt’ đến ‘vượt mức’ theo quy định về điều kiện mở ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, trường có định hướng đào tạo cho các ngành mới rõ ràng, từ đó sẽ có sự chuẩn bị cụ thể.
Với riêng ngành Y khoa, khi xác định mở ngành, trường đã tận dụng thế mạnh về diện tích khuôn viên rộng lớn để xây dựng thêm các phòng nghiên cứu, thực hành, đảm bảo sinh viên được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng.
Chia sẻ về cơ hội thực tập cũng như cơ hội việc làm của sinh viên ngành Y khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song chia sẻ: “Khi mở ngành mới, một trong những tiêu chí quan trọng được Trường Đại học Công nghệ Miền Đông xem xét là hợp tác với các cơ sở y tế/doanh nghiệp.
Chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn đến làm việc với các đối tác đang hợp tác và các đối tác tiềm năng để bàn bạc về các hình thức hợp tác. Đến nay, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông đã có mối quan hệ hợp tác với 232 doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế, cảng biển, cảng hàng không, các cơ quan - tổ chức về nhiều lĩnh vực. Sinh viên khi nhập học tại trường sẽ có cơ hội việc làm rộng mở”.
Trường Đại học Gia Định cũng là một trong số những cơ sở giáo dục đại học dự kiến mở các ngành thuộc khối ngành sức khỏe trong năm 2025.
Theo thông tin công bố trên trang tuyển sinh chính thức của Trường Đại học Gia Định, năm 2025, trường dự kiến mở thêm nhóm ngành sức khỏe như Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Ngoài ra, nhà trường còn mở thêm các ngành như Trí tuệ nhân tạo (AI), Ngôn ngữ Trung Quốc, Tâm lý học.
Trường Đại học Gia Định ghi rõ: “Đây đều là những ngành nghề có tính ổn định cao, nhu cầu nhân lực lớn và cơ hội phát triển bền vững trong tương lai”.
Được biết, năm 2025, Trường Đại học Gia Định sẽ tiếp tục đào tạo các ngành trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, Truyền thông, Quản trị - Marketing, Kinh doanh, Quản trị Khách sạn, Luật, Ngôn ngữ Anh, Tài chính - Thương mại, Khoa học xã hội và Ngôn ngữ quốc tế,…
Thí sinh có thể lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh như: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025; xét kết quả học bạ trung học phổ thông (theo Quy chế tuyển sinh 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo); xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 2025.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, chương trình đại trà tại Trường Đại học Gia Định năm học 2024 - 2025 có mức học phí từ 12 - 15 triệu đồng/học kỳ. Nhà trường cam kết tăng học phí không quá 8% một năm.
Không mở thêm ngành mới, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sức khỏe trong năm 2025.
Trong năm 2024, ngành Y học cổ truyền tuyển sinh 50 chỉ tiêu, ngành Điều dưỡng tuyển sinh 300 chỉ tiêu, ngành Dược học tuyển 95 chỉ tiêu.
Đến kỳ tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến điều chỉnh tăng 20% chỉ tiêu đối với ngành Y học cổ truyền, tăng 10% chỉ tiêu ngành Điều dưỡng, tăng 30% chỉ tiêu ngành Dược học. Các ngành còn lại không điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2024.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng sẽ không thay đổi tổ hợp môn xét tuyển đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông. Đồng thời, không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm.
Dự kiến, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch áp dụng 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025 như sau: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác.
Học phí năm học 2024 - 2025 tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dao động từ 41,8 - 55,2 triệu đồng/năm học (10 tháng). Đơn giá học phí có thể được điều chỉnh tăng tối đa 15% cho năm học tiếp theo (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Học phí trên chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.