Nhiều trường hợp không được cấp 'sổ đỏ'
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay vẫn thường được gọi là 'sổ đỏ' luôn là vấn đề được người dân quan tâm, song đây cũng là vấn đề khó khăn do các yêu cầu về thủ tục, giấy tờ. Theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, có nhiều trường hợp không được cấp 'sổ đỏ'.
Quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Đất đai 2024, có 7 trường hợp không được cấp GCNQSDĐ, cụ thể: Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 7 của luật này, trừ trường hợp đất được giao sử dụng chung với đất được giao để quản lý thì được cấp “sổ đỏ” đối với phần diện tích đất sử dụng theo quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng nằm trong diện này; đất nhận khoán, trừ trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1/2/2015 theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng; đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện; đất đang có tranh chấp, đang bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, quyền sử dụng đất đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật; tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.
Cùng với đó, luật cũng quy định cụ thể các tài sản gắn liền với đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp: Tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó thuộc trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 1 Điều 151 hoặc không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận; nhà ở hoặc công trình xây dựng được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng tạm thời bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính; tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa hoặc đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có các thông báo, quyết định này mà không thực hiện; nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 và Điều 149 của luật này.
Trên địa bàn tỉnh, các thửa đất ở chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu thuộc các trường hợp cần tháo gỡ, xử lý trước khi cấp GCNQSDĐ như: Diện tích sử dụng sai khác với hồ sơ; đất có nguồn gốc giao trái thẩm quyền; người sử dụng đất chưa hoàn thiện thủ tục về cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng…
Đồng chí Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khắc phục khó khăn trên, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai phối hợp với địa phương để xét duyệt hồ sơ. Các trường hợp khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ được phân loại hồ sơ ngay từ cấp xã và trong quá trình xét duyệt cho ý kiến trực tiếp vào từng hồ sơ cụ thể, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân, Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng hệ thống chi nhánh cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về cấp GCNQSDĐ. Văn phòng có thẩm quyền giải quyết 11 TTHC liên quan đến GCNQSDĐ đã được áp dụng theo mức độ 3 và mức độ 4.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tập trung - kết nối - liên thông giữa cấp tỉnh với cấp huyện đang được hoàn thiện. Cán bộ quản lý có thể tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Từng bước hình thành hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục xuống từ 25 đến 50% tổng thời gian, khối lượng công việc của các bộ phận được giảm bớt từ 50 đến 70%.
Đến nay, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đạt trên 70% tổng số thửa cần cấp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đạt trên 90% tổng số thửa cần cấp.Cũng theo Luật Đất đai 2024, tên gọi “sổ đỏ” mới ngắn gọn hơn so với Luật Đất đai 2013: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thay cụm từ "quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" bằng "quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất"). Các “sổ đỏ” với tên gọi cũ, được cấp trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, không phải cấp đổi sang sổ mới.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nhieu-truong-hop-khong-duoc-cap-so-do-3174543.html