Nhiều trường hợp thai phụ bị lưu thai khi sắp đến ngày sinh

Việc lưu ý đến những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng cuối là vô cùng quan trọng đối với ba mẹ.

2 trường hợp thai lưu vô cùng đáng tiếc

Vừa qua, Khoa Sản 1 – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ liên tục tiếp nhận 2 trường hợp thai phụ bị lưu thai ở tuần thai lớn vô cùng đáng tiếc.

Trường hợp 1 là một sản phụ 28 tuổi, bị lưu thai khi thai nhi được 33 tuần 2 ngày. Trước thời điểm vào viện 5 ngày, thai phụ nhận thấy thai ít đạp nên chủ động khám thai tại phòng khám tư, tại đây thai phụ được siêu âm thai nhưng không phát hiện bất thường.

Nhiều trường hợp lưu thai khi sắp đến ngày sinh, thai phụ cần chú ý - Ảnh minh họa

Nhiều trường hợp lưu thai khi sắp đến ngày sinh, thai phụ cần chú ý - Ảnh minh họa

Đến ngày 14/3/2024, thai phụ không còn cảm nhận được thai máy nên quay lại phòng khám tư thăm khám thì phát hiện thai lưu. Thai phụ sau đó tới Bệnh viện để theo dõi và thực hiện đình chỉ thai. Thời điểm vào viện, các bác sĩ thăm khám phát hiện thai phụ đã cạn sạch ối, trọng lượng thai nhi ước đạt 1.5kg, đánh giá là một trường hợp thai chậm tăng trưởng. Thai phụ sau đó được hỗ trợ kết thúc thai kỳ bằng phương pháp sinh thường.

Ngay ngày hôm sau, Bệnh viện tiếp tục tiếp nhận một trường hợp bị lưu thai khi thai nhi đã được 36 tuần 6 ngày. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc khi thai phụ là trường hợp hiếm muộn nhiều năm do tử cung dị dạng, hiện tại mới mang thai em bé đầu lòng.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện thai nhi có tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng và quấn rất chặt, kéo lệch trục tự do dây rốn. Các bác sĩ cho rằng đây có thể là nguyên nhân làm mất tuần hoàn nuôi dưỡng thai nhi, gây ra tình trạng lưu thai. Do tiên lượng không thể sinh thường, thai phụ sau đó được chỉ định kết thúc thai kỳ bằng phẫu thuật lấy thai, là một trường hợp thực sự đáng tiếc.

Từ 2 trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các thai phụ cần hết sức thận trọng trong quá trình mang thai, đặc biệt nên thăm khám, quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế chuyên khoa Phụ sản uy tín, có đầy đủ máy móc, trang thiết bị hỗ trợ và đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt.

Những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng cuối bà bầu cần lưu tâm

Dân gian thường nói rằng giai đoạn "Tam cá nguyệt thứ nhất" (ba tháng đầu) và "Tam cá nguyệt thứ ba" (ba tháng cuối) của thai kỳ là những thời điểm nguy hiểm nhất. Điều này có lý do vì:

Trong giai đoạn ba tháng đầu, thai nghén mới bắt đầu và sự kết nối với tử cung vẫn chưa chặt chẽ. Bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong cơ thể của mẹ cũng có thể tác động tiêu cực đến thai nhi.

Ngược lại, ở giai đoạn ba tháng cuối, trọng lượng của thai nhi tăng nhanh chóng. Sự sống chật chội trong tử cung cùng với nhu cầu dinh dưỡng cao khiến thai nhi phải đối mặt với nhiều vấn đề như suy dinh dưỡng, chết lưu, tiểu đường thai kỳ và nhiều vấn đề khác. Chính sự chủ quan này thường khiến những thay đổi bất thường trong cơ thể bị bỏ qua ở giai đoạn đầu.

Việc lưu ý đến những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng cuối là vô cùng quan trọng đối với ba mẹ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu tiến gần đến thời điểm chuyển dạ, nơi bé yêu chuẩn bị chào đời. Mọi sơ suất hoặc chủ quan đều có thể tạo ra những hậu quả khó lường cho cả mẹ và bé.

Những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng cuối mà mẹ bầu cần lưu ý

Chảy máu âm đạo: Chảy máu âm đạo là một dấu hiệu mà mẹ bầu cần chú ý đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ. Điều này có thể là cảnh báo về nhiều vấn đề như rau bong non, rau tiền đạo hay sự chuẩn bị cho chuyển dạ sắp sinh. Nếu không được chăm sóc và xử lý kịp thời, có thể gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Do đó, khi gặp tình trạng này trong tháng cuối thai kỳ, việc đi khám ngay là rất quan trọng.

Phù chân: Ngoài việc theo dõi tình trạng chảy máu âm đạo, mẹ bầu cũng nên lưu ý đến vùng chân để phát hiện có dấu hiệu phù. Nếu mẹ thấy cân nặng tăng nhanh, gặp khó khăn khi di chuyển, hoặc thấy rõ đường viền giày dép in sâu vào chân, mẹ cần ngay lập tức đi khám bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu của tiền sản giật.

Đây là một bệnh lý đầy biến chứng ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tiền sản giật được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trên khắp thế giới. Bệnh này thường xuất hiện khi mẹ bầu có huyết áp cao và nồng độ protein cao trong nước tiểu.

Xuất hiện các cơn đau: Tăng cân trong thai kỳ có thể tạo áp lực lên chân và cột sống, gây cảm giác không thoải mái cho mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy xuất hiện nhiều cơn đau bụng, đau lan sang lưng và bắp chân, đồng thời tử cung co lại thì nên ngay lập tức đi khám bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ.

Tăng cân quá nhanh: Tăng cân là điều bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, mức tăng cân nên tuân theo chỉ số BMI với tốc độ tăng hợp lý, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ, mức tăng nên giữ ở khoảng 2kg/tháng. Nếu mẹ bầu tăng cân nhiều hơn mức này, việc đi khám bác sĩ là quan trọng để loại trừ các nguy cơ như tiền sản giật, đái tháo đường. Đồng thời, mẹ cũng sẽ được tư vấn về chế độ ăn uống khoa học và phù hợp.

Rối loạn thị giác: Thị giác bị rối loạn và mờ mắt là một trong những dấu hiệu nguy hiểm trong tháng cuối thai kỳ. Đây có thể là cảnh báo về tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ và các vấn đề sức khỏe khác. Để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi, việc đi khám bác sĩ ngay từ khi xuất hiện các triệu chứng là quan trọng.

Ngứa ngáy: Một số bà bầu có thể trải qua cảm giác ngứa nhẹ do tăng cân và sự giãn ra của da, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc kèm theo vết ban đỏ, mẹ nên đi khám bác sĩ. Ngứa có thể là dấu hiệu của sự gián đoạn hoặc sự suy giảm lưu thông máu. Trong một số trường hợp hiếm, ngứa nhiều có thể là cảnh báo về chứng ứ mật thai kỳ, một tình trạng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như sinh non và thai chết lưu. Do đó, đây là điều quan trọng mẹ bầu cần chú ý và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thai nhi không cử động: Trong giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được những chuyển động của thai nhi. Điều này là một dấu hiệu cho thấy thai nhi vẫn đang phát triển khỏe mạnh như bình thường. Nếu mẹ thấy sự đạp của thai nhi ít hơn so với thông thường hoặc thậm chí không cảm nhận được thai máy, mẹ nên đến khám bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Ra dịch nhầy hồng: Ra dịch nhầy hồng âm đạo là dấu hiệu mà mẹ bầu cần chú ý, báo hiệu rằng cuộc chuyển dạ sắp diễn ra. Đây là quá trình "dọn đường" để chuẩn bị cho quá trình sinh nở của bé. Trong thời điểm này, mẹ nên sử dụng băng vệ sinh đêm và đi đến bệnh viện để thực hiện các thủ tục chờ sinh. Đồng thời, mẹ nên mang theo đủ băng vệ sinh để thay đổi khi cần thiết.

Xuất hiện các cơn gò chuyển dạ thật: Trong tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể trải qua các cơn co tử cung nhẹ, không tăng dần. Tuy nhiên, nếu những cơn co này xuất hiện với tần suất tăng lên, mức độ đau tăng và thời gian cơn đau kéo dài, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức. Điều này có thể là dấu hiệu rằng bé yêu sắp chào đời. Mẹ hãy chú ý và nhận biết biểu hiện này để chuẩn bị tốt nhất cho sự xuất hiện của bé.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/nhieu-truong-hop-thai-phu-bi-luu-thai-khi-sap-den-ngay-sinh-1971792.html